Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

VIỆT NAM ĐI ĐẦU TRONG VIỆC GIẢM NGHÈO

“Việt Nam đi đầu trong việc giảm nghèo” đó cũng là tên một bài viết của ông Ajay Chhibber, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đăng trên tạp chí The Banker (một tạp chí của Thời báo Kinh tế Anh) số ra tháng 2/2015.

Theo ông Ajay Chhibber, tỉ lệ nghèo đói ngày càng giảm của Việt Nam hiện nay đạt được là do Việt Nam đã có chính sách phát triển đồng đều cho mọi người.
Trong những năm qua, Việt Nam đã là một trong những nước đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh nhất trên thế giới. Tỉ lệ nghèo đói của Việt Nam - tính bằng số người sống dưới mức 1 USD một ngày - đã giảm từ khoảng 58% năm 1993 xuống 4,5% năm 2015. Tăng trưởng nhanh và liên tục, với tốc độ khoảng 6% đến 7% mỗi năm, là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nghèo. “Nhưng điều làm cho Việt Nam khác với những nền kinh tế mới nổi khác - như Trung Quốc hay Ấn Độ - là việc tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng hạn chế được tốc độ gia tăng bất bình đẳng”, ông Ajay Chhibber nhận xét và phân tích: Hệ số Gini, một chỉ số xem xét bất bình đẳng thu nhập, chỉ tăng từ 0,34 năm 1993 lên 0,43 năm 2010 - thấp hơn các nền kinh tế mới nổi khác - đã giải thích tốc độ giảm nghèo mạnh.
Vậy Việt Nam đã thành công như thế nào? Đầu tiên, không giống như các nước đang phát triển khác, tăng trưởng và giảm nghèo đã diễn ra đồng đều cả ở khu vực thành thị và nông thôn, bình quân cả nước giảm 2% hộ nghèo/năm, riêng các huyện nghèo giảm 5%/năm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Thứ hai, công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được tiến hành trên khắp các vùng miền của cả nước. Mặc dù tỉ lệ nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng thấp hơn những nơi khác, nhưng nghèo đói cũng giảm đi ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên, nơi tỉ lệ nghèo đói có cao hơn. Không có vùng nào bị bỏ rơi.
Thứ ba, tỉ lệ nghèo ở dân tộc Kinh và Hoa có thấp hơn các dân tộc thiểu số khác. Tuy nhiên, kể cả trong các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm có tỉ lệ nghèo cao, thì nghèo đói cũng giảm mạnh và liên tục trong những năm qua.
Cũng theo Giám đốc WB, có ba yếu tố dẫn tới tăng trưởng đồng đều cho mọi người ở Việt Nam là: giáo dục, thương mại và cơ sở hạ tầng. Công cuộc xóa mù chữ ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1954, và phát triển mạnh vào những năm 70 và 80 của thế kỉ trước. Đẩy mạnh giáo dục phổ thông được tiến hành vào thập kỉ 90, với các chiến dịch xóa mù chữ từ cấp tỉnh đến cấp xã được tiến hành. Ngày nay, Việt Nam đã có tỉ lệ người biết đọc biết viết lên tới gần 98%, cao hơn Trung Quốc và Ấn Độ, và đó là một yếu tố quan trọng để dẫn tới tăng trưởng cho mọi người.
Độ mở cửa thương mại của Việt Nam – hơn 150% (là tỉ lệ thương mại tính bẳng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP) – nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới cũng là một chìa khóa dẫn tới tăng trưởng cho mọi người. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực đến tận đầu những năm 90, Việt Nam đã nổi lên là một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới. Những hiệp định thương mại song phương và đa phương đã đem lại nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và làm cho Việt Nam trở thành một nhà xuất khẩu các sản phẩm may mặc, công nghiệp nhẹ và gỗ lớn trên thế giới với nhiều lợi ích về công ăn việc làm cho nền kinh tế.
Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối tới vùng nông thôn, với chương trình điện khí hóa nông thôn và giao thông nông thôn ấn tượng nhất thế giới – đã đảm bảo rằng những khu vực xa xôi nhất cũng không bị bỏ rơi. Ngày nay, 100% số huyện trên cả nước có điện lưới, so với 50% đầu những năm 90, và khoảng 96% dân số Việt Nam sống trong khoảng cách 2km tới đường có thể đi được trong mọi điều kiện thời tiết. Điều này tạo điều kiện liên kết giữa nông thôn và thành thị, tới các cảng và mạng lưới giao thông, tiếp cận radio, ti vi và Internet… kể cả ở vùng sâu vùng xa.
Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình 2.200 USD/người và vị thế là nước có thu nhập trung bình. Để làm được điều này, Việt Nam phải giúp đỡ công dân của mình tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao năng suất lao động ở khu vực nông thôn và công nghiệp hóa mạnh hơn, cũng như đảm bảo rằng các dân tộc thiểu số có cơ hội được phát triển để không bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình giải quyết những thử thách này, Việt Nam đã để lại một bài học về phát triển cho mọi người mà các nước khác có thể học hỏi.

Ấy vậy vẫn có những kẻ tự cho mình là “công dân yêu nước” cho rằng “Việt Nam mãi nghèo” và muốn thay đổi đất nước, đặc biệt với loạt bài viết của Đỗ Cao Bảo: “Tại sao đất nước ta mãi nghèo” với kiểu phân tích về lịch sử, truyền thống của dân tộc chỉ bằng vài ba ví dụ trong xã hội rồi tổng quát hóa nó thành một lý thuyết cho cả một dân tộc cho thấy đó là kẻ không có kiến thức, vô học, không hiểu biết về lịch sử, truyền thống dân tộc. Trong khi ông ta chê nền tảng triết học Việt Nam, vậy với cách đánh giá phiến diện, chủ quan, chỉ nhìn vào những hiện tượng đơn lẻ để phủ nhận sạch trơn những thành tựu to lớn của đất nước được thế giới ghi nhận thì đó lại được coi là “nền tảng triết học tiến bộ”?. Những người có hiểu biết sẽ cảm thấy thật nực cười khi đọc bài viết đó.
                                                                                                        Nhật Minh  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét