Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG LẠI LỪA DỐI CHÍNH MÌNH

Ngày 16/2/2017, trên trang Web https://anhbasam.wordpress.com, Nguyễn Đình Cống lại rêu rao luận điệu cũ rích khi phản bác, bôi nhọ và xuyên tạc Nghị quyết 25/NQ-CP, ngày 08/02/2017 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trong bài viết này, với ngòi bút tầm thường của một giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành xây dựng, cả cuộc đời lăn lộn với các công trình nghiên cứu về bê tông, cốt thép... đã phai nhạt lý tưởng, Nguyễn Đình Cống lại tiếp tục “lấn sân” viết bài bình luận, nhằm lôi kéo những cá nhân đã biến chất đứng về phía mình, để xuyên tạc, bóp méo, tiến tới kích động những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin. Mục đích cuối cùng là chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá những thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nhân dân ta đã đạt được.
Nếu đọc qua bài viết này, sẽ có người lầm tưởng rằng đây là bài viết công phu, am hiểu khi Nguyễn Đình Cống đã “khéo” trích dẫn khá đầy đủ nội dung trong Nghị quyết 25 của Chính phủ. Thậm chí có nội dung hắn còn tỏ ra đồng tình, đưa ra lời khen “lố bịch”, cho rằng Chính phủ “rất tích cực, rất kịp thời, rất chi tiết” trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng” và người dân có thể “đợi chờ một kết quả tốt đẹp về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng”. Nhưng ngay sau những lời khen giả dối đó thì Nguyễn Đình Cống đã lộ rõ ngay bộ mặt nhem nhuốc, dơ bẩn của một cựu Đảng viên đã phai nhạt lý tưởng khi lu loa lên rằng trong Nghị quyết số 25 của Chính phủ còn chứa đựng “một số điều sai lầm và có hại”. Là một độc giả, tôi nhận thấy rằng, cần thiết phải vạch rõ bộ mặt phản động của Nguyễn Đình Cống và để những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết không bị những luận điệu trên lừa gạt, kích động, lôi kéo.
Trước tiên, ta hãy xem Nguyễn Đình Cống là ai? Một kỹ sư chuyên nghiên cứu về bê tông và các lĩnh vực khác trong ngành xây dựng. Một con người được Đảng Cộng sản Việt Nam bồi dưỡng, giáo dục, chăm lo cho cả sự nghiệp, đã phát triển thành giáo sư, tiến sĩ. Tuy nhiên, học hàm, học vị cao lại không tương xứng với nhận thức chính trị. Vì vậy, sau khi về hưu ông lại quay trở lại phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, có những lời nói và bài viết chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ chính cả sự nghiệp mà cả đời ông phấn đấu trưởng thành.
Và bài viết ngày 16/2/2017 là một minh chứng. Nguyễn Đình Cống cho rằng các căn cứ mà Chính phủ đưa ra là không hợp hiến, nội dung thì trùng lặp với “ngôn từ và khẩu hiệu trống rỗng”. Nguyễn Đình Cống chứng minh cho sự thiếu hiểu biết của mình bằng mệnh đề: “Không có một điều nào, không có một ý nào viết rằng Chính phủ phải chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng” và rằng: “Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII là nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thuộc nội bộ Đảng chứ không có nội dung xây dựng đất nước”. Rõ ràng ông Cống đã thể hiện sự trống rỗng về kiến thức chính trị của mình. Bởi thực tế, các căn cứ mà Chính phủ nêu ra là hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. Tôi xin nhắc lại để ông rõ: Điều 69 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) chỉ rõ: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Ở đây cần phân biệt rõ: khác với hệ thống chính trị ở hầu hết các nước tư bản chủ nghĩa, hệ thống chính trị đó gồm hai thành phần cơ bản là nhà nước và các chính đảng. Còn hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 đoàn thể chính trị xã hội: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Đặc điểm nổi bật nhất của hệ thống chính trị ở Việt Nam là tính nhất nguyên về chính trị, nghĩa là không có chính đảng đối lập, đó là chế độ chính trị chỉ có duy nhất một đảng cầm quyền. Hệ thống chính trị ở Việt Nam gắn liền với vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi tổ chức thành viên của hệ thống chính trị đều do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập vừa đóng vai trò là hình thức tổ chức quyền lực của nhân dân (Nhà nước), tổ chức tập hợp, đoàn kết quần chúng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của quần chúng (Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội), vừa là tổ chức mà qua đó Đảng Cộng sản thực hiện sự lãnh đạo chính trị đối với xã hội. Do đó, công tác tổ chức, hoạt động của Chính phủ không thể xa dời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và nghị quyết của Đảng không phải là của nội bộ Đảng mà là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ông thừa biết điều này, sao ông lại cố tình hiểu lệch lạc như vậy?
Về nội dung của Nghị quyết, ông Cống cho rằng “mang lại sự lãng phí và nhàm chán”, “lợi ít, hại nhiều”, tôi thấy thật nực cười, bởi sự vẩn đục đáng thương trong tư duy của ông. Bởi mỗi con người cũng chẳng ai có thể “nắm tay từ sáng đến tối”, huống chi là một tổ chức như Chính phủ, với đội ngũ cán bộ đảng viên đông đảo thì tránh sao những hạn chế, thiếu sót, vấn đề ở đây là biết nhìn nhận, tự soi xét để sửa chữa, khắc phục. Và Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng với quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp báchKiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng....” thật sự là luồng gió mới, là một tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng tự soi chiếu vào. Như vậy, Nghị quyết 25 của Chính phủ là kịp thời, là tích cực và hết sức cần thiết để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng. Và rõ ràng, đánh giá của ông về việc triển khai nghị quyết là hoàn toàn sai lầm bởi nó thực sự là cần thiết và không hề lãng phí chút nào.
Cuối bài viết, Nguyễn Đình Cống đưa ra lời bình “liệu việc ban hành nghị quyết 25 có mục đích gì ẩn giấu hay không?”. Tôi xin trả lời ông rằng, Nghị quyết 25 không những có mục đích, mà còn là mục đích hết sức rõ ràng và hoàn toàn không có gì ẩn giấu ở đây. Bởi Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Đảng ta đã nhận diện một cách rõ ràng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục một cách sâu sắc Nghị quyết là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, mà trước hết mọi cán bộ, đảng viên, mọi tổ chức của Đảng phải thấm nhuần, để tự sửa đổi, tự gột rửa mình. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, đòi hỏi Chính phủ phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, làm trong sạch bộ máy, để thực sự là Chính phủ của một nước Việt Nam dân chủ, thực sự là một “chính phủ kiến tạo”, hiện đại vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại, vì chủ nghĩa xã hội ngày một văn minh.

Và như thế có thể khẳng định rằng, những lập luận của ông Nguyễn Đình Cống là vô căn cứ, nhằm đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, với ý đồ đen tối nhằm kích động tư tưởng bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, tiến tới phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”. Là công dân có lương tri tôi nghĩ rằng, chẳng phải ông hạn chế về nhận thức chính trị, mà vì tư tưởng hẹp hòi, hay chăng là sự dao động lòng tin khi tư lợi cá nhân không được thỏa mãn đã làm ông thay đổi. Hãy dừng lại, bởi vẫn với tư duy và con mắt nhìn ấy, ông càng viết, càng nói, càng chứng minh sự mất cân đối trong trình độ học vấn và nhận thức chính trị của ông, và ông càng tự lừa dối chính mình.
Nhất Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét