Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

“QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM THAM GIA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LÀ MỘT TẤT YẾU KHÁCH QUAN”

Hiện nay các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá Quân đội ta trên nhiều lĩnh vực nhằm thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”; hạ thấp vai trò, uy tín và bôi nhọ hình ảnh của Quân đội nhân dân. Trong đó, chúng chống phá cả những lĩnh vực thuộc về chức năng, nhiệm vụ, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chức năng “đội quân lao động sản xuất”.

Để đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc về vấn đề này, trước tiên chúng ta cần quán triệt và nhận thức đúng đắn rằng: Quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng. Thống nhất với chủ trương, quan điểm đó, trong bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn ngày 12/7/2017 đã tiếp tục khẳng định: “sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Quân đội, phấn đấu là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ... mục tiêu của Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế chính là: (1) Củng cố bản thân tiềm lực quốc phòng của đất nước; (2) Góp phần gia tăng tiềm lực Quốc gia; (3) Củng cố vị thế độc lập, tự chủ của đất nước và công nghiệp quốc phòng, trang bị vũ khí, khí tài cho Quân đội; (4) Tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua sự hợp tác với bên ngoài”.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn là quân đội của dân, do dân và vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Ngay từ ngày mới được thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định quân đội có ba chức năng chủ yếu là: “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Ba chức năng này đã phản ánh vai trò gián tiếp của Quân đội ta đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, là bảo vệ hòa bình, ổn định tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Cùng với đó, Quân đội còn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là một tất yếu khách quan, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn sau:
Một là, xuất phát từ mối quan hệ giữa quân đội với sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân.
Bàn về mối quan hệ giữa quân đội với nền kinh tế, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: Quân đội vừa phụ thuộc vào kinh tế vừa có vai trò tích cực đối với sự phát triển của kinh tế. Sự phụ thuộc của quân đội vào nền kinh tế được thể hiện ở: Bản chất của quân đội do bản chất của chế độ kinh tế - xã hội, của giai cấp, nhà nước đã sinh ra nó quyết định. Mỗi quân đội là một sản phẩm của một chế độ kinh tế - xã hội nhất định. Khi chế độ kinh tế - xã hội và nhà nước bị thay đổi (thông qua cách mạng xã hội) thì bản chất của quân đội cũng thay đổi theo. 
Trong các chế độ kinh tế - xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu như chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, quân đội là công cụ bạo lực bảo vệ lợi ích của giai cấp thông trị, đàn áp, áp bức người lao động và thực hiện các cuộc chiến tranh xâm lược đối với các quốc gia khác.
Trong chủ nghĩa xã hội, quân đội của nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân, là công cụ bạo lực để bảo vệ lợi ích, thành quả cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động.
Kinh tế còn quyết định đến trạng thái chính trị tinh thần của người lính, quyết định đến thành phần, tổ chức biên chế, cơ cấu, vũ khí trang bị, phương thức tác chiến của quân đội. Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Không có gì phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”.
Tuy nhiên, quân đội không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế mà còn có vai trò tích cực đến sự phát triển kinh tế. C. Mác đã viết: “Nói chung quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”. Quân đội là lực lượng nòng cốt giữ vững hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển; đồng thời quân đội còn trực tiếp tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân dưới nhiều nội dung và hình thức khác nhau.
Hai là, xuất phát từ bản chất, truyền thống của quân đội cách mạng và điều kiện kinh tế - xã hội nước ta.
Kế thừa và phát huy truyền thống “Dựng nư­ớc đi đôi với giữ nư­ớc” của cha ông, thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội cách mạng kiểu mới, “Quân đội của dân, do dân và vì dân”, mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dư­ới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi hoạt động của quân đội đều nhằm mục đích là bảo vệ và đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính vì vậy mà quân đội thực hiện tốt ba chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” là đều nhằm mục đích đó.
Thực tế cho thấy, khi vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lư­ợc, ở miền Bắc, năm 1956 hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội đã đư­ợc cử đến những vùng núi cao xa xôi, biên cư­ơng của Tổ quốc, những bãi lầy ven biển để khai phá xây dựng nông trư­ờng quân đội, thu hút dân cư­ vào sinh cơ lập nghiệp, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Tính đến năm 1960, ở miền Bắc quân đội đã xây dựng đư­ợc 29 nông trường thu hút hàng vạn hộ dân vào làm ăn sinh sống. Nhiều nông trư­ờng ngày đó như­: Điện Biên (Lai Châu); Mộc Châu (Sơn La); Đông Hiếu (Nghệ An); Bình Minh (Ninh Bình)... đã trở thành những điểm sáng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Sau giải phóng miền Nam (30/04/1975), hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội được chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế như: Khôi phục tuyến đư­ờng sắt Bắc - Nam; rà phá bom mìn, khai hoang phục hoá, thau chua rửa mặn đem lại hàng chục vạn ha đất canh tác cho nhân dân vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữa bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nư­ớc, cùng với quá trình tổ chức sắp xếp lại lực lư­ợng lao động sản xuất của quân đội, Đảng và Nhà nư­ớc đã cho phép quân đội thành lập các đơn vị làm kinh tế trên các địa bàn chiến lược. Trong đó có đoàn Kinh tế - Quốc phòng Binh đoàn 15 Tây Nguyên (thành lập năm 1985 theo quyết định 68/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tư­ớng Chính phủ). Trên cơ sở làm ăn có hiệu quả và lợi ích kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh mà Binh đoàn 15 Tây Nguyên đã đạt được, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề nghị với Chính phủ và đã được Chính phủ cho phép triển khai xây dựng 22 khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo. Thực tiễn xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đã chứng minh đây là một trong những hình thức, nội dung quân đội tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân có hiệu quả không chỉ trên góc độ kinh tế mà còn cả trên góc độ xã hội, quốc phòng, an ninh.
Mặt khác, trong điều kiện tiềm lực kinh tế của nước ta hiện nay còn nhỏ, trình độ phát triển chưa cao, mặt bằng thu nhập và đời sống của nhân dân còn nghèo; phải tập trung đầu tư cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân,… Do dó, quân đội trực tiếp tham gia sản xuất, phát triển kinh tế  để tự túc một phần chi tiêu sẽ làm giảm gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân.
Ba là, xuất phát từ điều kiện và khả năng của quân đội ta hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, quân đội ta hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng thực hiện tốt chức năng là đội quân lao động sản xuất, tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân. Hiện nay đất nước đang trong thời bình, quân đội có thể sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhiều lĩnh vực, ngành, nghề lưỡng dụng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
 Về nhân lực, quân đội là một tổ chức vũ trang đặc biệt, có quân số thường trực trẻ, khoẻ, có trình độ văn hoá và chuyên môn nghiệp vụ ngày một cao, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, được tổ chức quản lý chặt chẽ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội có hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực kinh tế, xã hội nên có thể hoạt động tốt trên lĩnh vực này. Hơn nữa, hiện nay quân đội hoạt động trong thời bình, nên bên cạnh các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì có thể tận dụng một số lực lượng, phư­ơng tiện làm nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Về phư­ơng tiện, ngành nghề, quân đội được giao nhiều phư­ơng tiện vật chất kỹ thuật mang tính lư­ỡng dụng cao, vừa có thể phục vụ chiến đấu vừa có thể phục vụ phát triển kinh tế dân sinh như hệ thống thông tin liên lạc, máy bay vận tải, tàu vận tải biển, các máy móc hiện đại lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, các nhà máy xí nghiệp này hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống máy móc thiết bị, nhà xưởng, nhân lực, công nghệ để sản xuất hàng hóa phục vụ dân sinh. Quân đội còn có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động quân sự mà còn có thể đáp ứng yêu cầu hoạt động dân sinh. Chẳng hạn, hệ thống bệnh viện quân đội ngoài việc khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ còn có thể khám chữa bệnh cho nhân dân, hàng năm có thể tổ chức các đội công tác lưu động về các vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh cho dân nghèo, tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh. Quân đội còn có một hệ thống các trư­ờng đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở nghiên cứu, các trư­ờng dạy nghề, các trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm của các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, học viện, nhà trư­ờng. Do đó, vừa có thể đào tạo cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đáp ứng yêu cầu hoạt động của quân đội, vừa có thể đào tạo cán bộ, nhân viên y tế cho xã nghèo, vùng nghèo.
Hơn nữa, hiện nay quân đội có nhiều đơn vị đang đứng chân tại những địa bàn chiến lư­ợc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những nơi này thư­ờng tập trung nhiều đồng bào các dân tộc ít người, kinh tế kém phát triển, các điều kiện bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiều địa bàn rất thiếu và yếu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông cách trở đi lại khó khăn. Vì vậy, cùng với việc sử dụng các lực lượng khác trong thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo,... thì quân đội là một lực lượng quan trọng. Việc sử dụng quân đội vào các hoạt động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu ở vùng biên giới và hải đảo là rất thuận lợi và có tính hiệu quả cao, đồng thời còn giúp nắm chắc địa bàn, thực hiện chức năng của đội quân công tác và gắn bó mật thiết hơn với nhân đân. Đây chính là cơ sở vững chắc để quân đội ta cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng an ninh trong giai đoạn hiện nay.
Trí Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét