Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM: "ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG THỂ ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG, SUY THOÁI THÀNH CÔNG"

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở bất cứ giai đoạn nào, các thế lực thù địch cũng luôn dùng mọi phương thức, thủ đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta trên mặt trận chính trị, tư tưởng và lý luận. Đây là mặt trận được chúng tập trung chống phá hòng làm suy yếu sức mạnh chính trị, tinh thần của Đảng, của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đây là phương thức phổ biến, thường xuyên để chúng thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm làm lung lạc tư tưởng, mất phương hướng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, thúc đẩy quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ nước ta, tăng thêm những mầm mống của nguy cơ tự sụp đổ từ bên trong.

Để chống lại quyết tâm phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng ta, gần đây các thế lực thù địch đưa ra quan điểm: "Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công". Tại sao các thế lực thù địch lại đặt vấn đề phức tạp, có tính thời sự mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đang quyết tâm, có nhiều chủ trương, phương thức, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái để gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân vào thời điểm hiện nay? Có thể nhận thấy, các thế lực thù địch đưa ra quan điểm trên nhằm ba mục đích:
Thứ nhất, hạ uy tín để phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và Nhà nước, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi vì, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái ở nước ta là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng do Đảng lãnh đạo.
Thứ hai, chống phá sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta về đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái để cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng suy thoái, "nền kinh tế đất nước kiệt quệ" do tình trạng tham nhũng.
Thứ ba, lấy cớ cho rằng, Đảng ta không thể lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái thành công để kích động, xúi giục, lôi kéo, hỗ trợ cho các phần tử phản động, bất mãn trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá dưới chiêu bài lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận để gây hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, làm mất an ninh, trật tự, từ đó tác động để cán bộ, đảng viên sẽ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đất nước rơi vào khủng hoảng, mưu đồ "diễn biến hòa bình" của chúng thành công.
Có thể thấy luận điểm trên chỉ là đơn lẻ của một số người và chỉ dựa trên mấy luận chứng chủ quan, võ đoán: Tham nhũng, suy thoái là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền; vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng, suy thoái thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng (!); từ đó, họ kết luận cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công.
Muốn dự báo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái có thành công hay không, phải dựa trên các luận chứng khoa học; lại phải có cách đánh giá khách quan, toàn diện, dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình.
Quốc gia nào cũng vậy, trong từng thời điểm đều do một đảng cầm quyền. Khi đảng nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền nhà nước đều là người của đảng đó; đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế xã hội cao.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng tuyệt đại đa số đều là những nhà cách mạng tự nguyện từ bỏ lợi ích bản thân, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt của các nhà lãnh đạo Đảng, các cán bộ, đảng viên mãi mãi lưu danh trong lịch sử vẻ vang của Đảng như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ... Tuy nhiên, ngay từ đó, trong cuộc đấu tranh lưu huyết một sống, một chết dưới ách thống trị tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến cũng đã có những người không chịu nổi thử thách gian nguy, tự rời bỏ hàng ngũ cách mạng, thậm chí đầu hàng địch, phản bội cách mạng. Những người thiếu kiên trung với cách mạng, có biểu hiện dao động, cầu an, Đảng đã thải loại họ. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hết sức cá biệt. Đảng không vì thế yếu đi mà ngày càng trong sạch và phát triển vững mạnh, được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, tôn vinh vai trò lãnh đạo và tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.
Hoạt động bí mật, bất hợp pháp, trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, trải qua ba cao trào cách mạng đấu tranh kiên cường bất khuất, dũng cảm, mưu trí, Đảng càng trưởng thành, cách mạng càng phát triển. Đến tháng 8-1945, chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn dân đứng lên Tổng khởỉ nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đương nhiên trở thành đảng cầm quyền. Cũng là thông lệ, đảng cầm quyền thì đảng phải thực hiện quyền lãnh đạo chính quyền nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng viên của đảng sẽ giữ chức danh đứng đầu các cơ quan chính quyền nhà nước.
Nhìn nhận một cách khách quan, từ Đại hội lần thứ X của Đảng đến nay, nhất là từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, vấn đề chống tham nhũng, suy thoái luôn là vấn đề có tính thời sự trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tệ nạn đó.
Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã đạt được một số kết quả, nhưng một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Để tăng cường nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đánh giá: ''Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước", về mức độ nguy hiểm, hậu họa của tình trạng trên, Nghị quyết đánh giá: "... sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lốỉ sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".
Nghị quyết cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan của tình hình trên, trong đó xác định "nguyên nhân chủ quan là chủ yếu", có nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của cơ quan đảng và chính quyền nhà nước cấp Trung ương, có nguyên nhân thuộc về cấp ủy và tổ chức đảng các cấp; đặc biệt nguyên nhân sâu xa, chủ yếu, trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.
Điều đó nói lên rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái vừa qua, tuy chuyển biến chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhưng đã có kết quả bước đầu, đó là điều không thể phủ nhận. Viện dẫn một luận chứng không đúng sự thật là đã nhiều lần chống tham nhũng, suy thoái không thành công để kết luận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công là điều phi lý.
Một bài học kinh nghiệm trong lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng nước ta, khi Đảng với bản lĩnh vững vàng, trí tuệ sáng suốt, con đường cách mạng đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của lịch sử, được lòng dân, Đảng với dân nhất trí, đồng lòng thì mọi việc dù khó khăn đến mấy, kể cả những khi tình thế cách mạng, vận mệnh dân tộc lâm nguy, cũng đi tới thành công.
Luận điểm Đảng Cộng sản không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công với những luận chứng chủ quan, võ đoán thực chất không phải là một luận điểm khoa học, mà chỉ là luận điệu xấu, gieo rắc, lan truyền gây hoang mang, mất niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái với những ai thiếu vững vàng, nhẹ dạ cả tin, nhằm phá hoại phong trào cách mạng của Đảng và của nhân dân ta./.

Nhật Minh

1 nhận xét: