Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ PHẢI THEO PHÁP LUẬT

 

Gần đây, một số người rêu rao ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, trong số đó có Lê Tự Do. Với bài viết “Giấc mơ được mở miệng” trên Vietnamthoibao.org, Y cho rằng: “Trên thế giới cũng như một số người ở Việt Nam đều cho rằng báo chí là quyền lực thứ 4, bên cạnh lập pháp-hành pháp-tư pháp. Đó là câu chuyện ở nước ngoài, về đến đất nước hình chữ S, cái gọi là quyền lực thứ 4 phải chịu sự chi phối bởi nhiều thứ”. Đây là, sự cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; cố tình xuyên tạc khái niệm tự do báo chí; viện dẫn các quy định của luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo.

          Cũng như mọi quốc gia, Việt Nam tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người và việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Luật Báo chí của Việt Nam (2016) quy định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; có nhiệm vụ, quyền hạn: tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Luật báo chí cũng có những quy định cấm báo chí không được đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

                Lê Tự Do còn viện dẫn câu nói của cái ông Trung nào đó ở Miền Đông Nam Bộ “Tự do mà mình không nói được, cái đó không phải tự do. Tự do là phải là sự thật, chứ không phải tự do để nói không có, nói có, nước nào cũng vậy thôi. Ăn nhằm cái nhà lãnh đạo người ta chấp nhận cái điều kiện đó, thí dụ như thế”. Qua đó Y rêu rao, xuyên tạc Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận, triệt tiêu quyền tự do báo chí, hoặc ra sức ngăn cản những người bất đồng chính kiến. Mặc dù Y thừa nhận “Tự do là phải là sự thật”, vậy mà chính Y lại là kẻ nói không đúng sự thật, xuyên tạc tự do báo chí ở nước ta.

Chúng ta đều biết, Việt Nam đã ký kết điều ước quốc tế về quyền tự do báo chí. Điều 11, Luật Báo chí quy định: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, Điều 13 Luật này nêu rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Điều đó cho thấy, mọi quyền tự do đều phải có giới hạn nhất định để bảo đảm quyền tự do chính đáng cho số đông mọi người, chứ không phải cho một nhóm ít người nào đó nói năng bừa bãi, phát ngôn bạt mạng, thích gì viết đấy, nói và viết chỉ vì động cơ cá nhân ích kỷ, thiên vị mà không vì sự ổn định, đồng thuận chung của xã hội, cộng đồng. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia và ở Việt Nam, đều có một nguyên tắc cơ bản về việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và không có quốc gia nào cho phép tự do báo chí, tự do ngôn luận “đứng trên, đứng ngoài” luật pháp và xâm hại đến an ninh quốc gia. Như ở Pháp đã quy định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Ở Mỹ có nhiều điều luật của quốc hội quy định có tính pháp lý của tòa án cũng đưa ra những giới hạn nhất định đối với báo chí, đối với quyền và trách nhiệm của công dân liên quan đến báo chí nhằm tránh xâm hại đến an ninh quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump viết rằng: “Truyền thông tin tức giả, không phải là kẻ thù của tôi, đó là kẻ thù của người dân Mỹ!”.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng đất nước. Đồng thời, luôn cầu thị, tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia khác để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho đại đa số người dân. Chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần, bác bỏ, lên án mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận xã hội, xâm hại an ninh quốc gia, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét