Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Bác bỏ luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin của Nguyễn Đình Bin

 

Vừa qua, ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã cho đăng tải bài viết trên mạng xã hội “Hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn vẫn còn rỉ máu! Thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc”. Trong bài viết, từ những nhận định về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về Đảng, về dân tộc đến những kiến nghị cho tương lai, đã thể hiện rõ sự thoái hóa, biến chất, phủ nhận những giá trị lịch sử truyền thống dân tộc, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin của ông Nguyễn Đình Bin.

Thứ nhất, có phải chủ nghĩa Mác – Lênin đã thực sự lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải?

Ông Nguyễn Đình Bin cho rằng, “sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCH ở Đông Âu cũng như cải cách mở cửa của Trung Quốc từ 1978 và đổi mới về kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đã chứng minh hùng hồn là mô hình kinh tế XHCN theo quan điểm Mác – Lênin đã thực sự lỗi thời, đã bị lịch sử đào thải”, trên thế giới “chẳng có một nước nào theo con đường Mác – Lênin và CNXH cả”. Đây là luận điệu phủ nhận, xuyên tạc giá trị, vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin trong tiến trình lịch sử. Lương tri của nhân loại vẫn rất tỉnh táo và sáng suốt khi đánh giá rằng “chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại…”, chủ nghĩa Mác – Lênin “vẫn luôn luôn là một căn cứ quyết định cho các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, cho các đảng cộng sản chân chính đề ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình”. Nó đánh dấu sự phát triển trí tuệ của nhân loại trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Hơn nữa, chính những người thóa mạ và bôi nhọ chủ nghĩa Mác – Lênin, cố tình không hiểu rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không phải vì tư tưởng khoa học của học thuyết Mác – Lênin không còn tính thời đại, đã lỗi thời, mà là sự phá sản của một chủ trương, đường lối sai lầm, chẳng những sa vào quan liêu hóa, giáo điều, chủ quan, duy ý chí bắt đầu từ sai lầm trong xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng cầm quyền ở đó, do đi chệch khỏi chủ nghĩa Mác – Lênin chân chính, mà còn là sự xét lại và phản bội chủ nghĩa xã hội khoa học; đồng thời không thể không kể đến những âm mưu thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chính chủ nghĩa đế quốc sử dụng. Kẻ thù của các đảng cộng sản đã lợi dụng triệt để những sai lầm trong đường lối, những khiếm khuyết không được khắc phục kịp thời trong lãnh đạo và điều hành đất nước của các đảng cầm quyền ở các nước đó… để mua chuộc, kích động và cổ vũ những phần tử cơ hội bên trong, khuyến khích những hành động phản cách mạng bên ngoài. Thực tế cũng chứng minh, chính bản thân chủ nghĩa tư bản dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đã và đang vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm điều chỉnh, thích nghi để tồn tại. Tờ The New Yorker (Mỹ) cho rằng, các vấn đề mà các nhà kinh tế học hiện đại đang đối mặt và giải quyết, nhưng thực ra họ đang “bước theo dấu chân của C.Mác mà họ không biết”. Theo tờ Tạp chí Newsweek (Mỹ), C.Mác “đã mổ xẻ cái hệ thống trục lợi này tốt hơn ai hết… Như thể C.Mác đã đội mồ đứng dậy!”. Những điều đó đã bác bỏ luận điệu cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, bị lịch sử đào thải.

Thứ hai, trên thực tế, Đảng ta đã từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin?

Trong bài viết, ông Nguyễn Đình Bin cho rằng những thành tựu về mọi mặt của đất nước trong thời kỳ đổi mới là do “trên thực tế, Đảng ta đã từ bỏ các quan điểm Mác – Lênin”, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và đối ngoại nên “đất nước mới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và thu được những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử về đối nội và đối ngoại như đến nay”. Đây là sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị, vai trò nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin với cách mạng Việt Nam nói chung, trong thời kỳ đổi mới nói riêng. Với mỗi người Việt Nam chân chính đều nhận thức rằng, Đảng ta chưa bao giờ từ bỏ nền tảng tư tưởng, cái “cẩm nang thần kỳ”, vũ khí sắc bén, kim chỉ nam, cội nguồn của những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ở Việt Nam, kể từ “Đường cách mệnh” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và “Luận cương chính trị” do Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua cho đến nay, Đảng ta đều khẳng định, chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Từ Đại hội VII đến nay có sự bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng…”. Do đó, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta càng phải trở về với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo. Nguyên tắc bất di bất dịch là, cần nghiên cứu và thấu triệt nó với tư cách không chỉ là nền tảng lý luận chính trị về phương diện chính trị – xã hội,  một cương lĩnh chính trị – khoa học về mặt hành động cách mạng, một chỉnh thể toàn vẹn về mặt cấu trúc hệ thống, một thực thể vận động và thống nhất trên bình diện khoa học – thực tiễn, mà còn là một lý thuyết – thực tiễn mở về phương diện xã hội – lịch sử và là một tổng thể phương pháp luận khoa học và cách mạng, như chính bản thân học thuyết Mác – Lênin chứa đựng và thể hiện.

Từ những luận giải trên cho thấy, chủ nghĩa Mác – Lênin đã sống, đang sống, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang từng bước vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội và góp phần vào sự nghiệp giải phóng toàn thể nhân loại cần lao. Chính thực tiễn này cũng bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét