Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ CẤP CAO CỦA ĐẢNG NHÀ NƯỚC TA

 

Gần đây, nhân sự kiện Quốc Hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng, các phần tử cơ hội chính trị đã phát tán nhiều bài viết với luận điệu xuyên tạc nhằm kích động dư luận hòng làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong bài viết phản ứng của người dân trước chuyện lãnh đạo mất ghế, chúng cho rằng: việc bầu Chủ tịch Nước của Quốc hội Việt Nam là không dân chủ, nên người dân “xa lánh” và cảm thấy“nhàm chán”. Song thực tiễn đã bác bỏ những luận điệu xảo trá, phản động đó.

Điều 87, Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”. Thực thi Hiến pháp, ngày 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về việc bầu Chủ tịch Nước, nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi thảo luận tại đoàn, Quốc hội nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về nhân sự bầu chức vụ Chủ tịch Nước. Tiếp đó, Quốc hội thông qua danh sách bầu Chủ tịch Nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng và biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước. Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng với kết quả 487/488 đại biểu Quốc hội (98,38%) tán thành. Sự kiện đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước là hợp Hiến, được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuyệt đại đa số nhân dân đều hoan nghênh, đồng tình bởi đây là sự lựa chọn đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong việc giới thiệu và thay mặt nhân dân bỏ phiếu bầu người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Như vậy, việc bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng là hợp Hiến và được toàn dân đồng tình, ủng hộ, không như luận điệu xuyên tạc của các thể lực thù địch.

Các phần tử cơ hội chính trị còn rêu rao rằng, người dân đang “sung sướng…mở cờ trong bụng” khi “Chủ tịch Võ Văn Thưởng sẽ bị mất ghế”.

Thực tiễn cho thấy, sáng 21/3, tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 6, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Việc Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng xin từ chức và được Quốc hội bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm là sự kiện chính trị đáng chú ý, được toàn dân quan tâm. Tuy nhiên, đây là điều bình thường vì trên thế giới, không ít lãnh đạo các quốc gia đã từ chức. Hơn nữa, toàn dân Việt Nam hiện nay đã thấu hiểu và tuyệt đối đồng thuận với quan điểm của Đảng: Công tác cán bộ không phải là cố định, bất biến, đợi đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu, mà đã có tính “động” và “mở”. Việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” dần trở thành bình thường. Từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Việc miễn nhiệm, hoặc cho từ chức đối với người đứng đầu không phải khi nào cũng là do cá nhân người đó có sai phạm, mà có thể chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý, phụ trách, hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc từ chức của cán bộ là việc rất bình thường, thể hiện trách nhiệm chính trị của bản thân đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; mục tiêu của việc miễn nhiệm cán bộ, vừa đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, vừa góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và đảm bảo đúng quy định, là một phần văn hóa trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Như vậy, nhân dân ta không “sung sướng…mở cờ trong bụng” khi “Chủ tịch Võ Văn Thưởng bị mất ghế” mà đang rất buồn, song vẫn rất vững tin và ủng hộ Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực và luôn cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của những kẻ cơ hội chính trị, đó là thành trì vững chắc để chúng ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét