Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

HỒ CHÍ MINH ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI

 

Xuyên tạc, vu khống nhằm bôi nhọ thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thủ đoạn không mới của các thế lực thù địch. Vẫn cách làm cũ, hoặc là lộng giả thành ngôn của mấy nhà “khoa học” bán linh hồn cho quỷ; hoặc chửi đổng, cắn càn của mấy tay “bí từ”, “ít chữ” lại “chăm chỉ” trích dẫn “thâm ý” của mấy nhà “khoa học” kia. Mới đây “Kỳ Cốc Tử” đã thể hiện đúng bản chất “bí từ”, “ít chữ” qua bài “Những cái “tài” của HCM” đăng trên mạng xã hội. Bài viết không có gì mới, bọn chúng chỉ nhai đi nhai lại nội dung cũ rích.

“Hồ Chí Minh không phải là tác giả tập Ngục Trung Nhật Ký”. Riêng vấn đề này chúng tôi đã có bài viết rất cụ thể trên trang blog “Nhanvanviet.com” . Mời mọi người cùng tìm hiểu và tham khảo thêm cho tỏ tường. Chỉ bấy nhiêu thôi để thấy rõ cái sự xảo ngôn, bất tín của “Kỳ Cốc Tử”, nên không có lý do nào để tin, nghe bọn chúng nữa.

Nói thêm rằng, trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tên gọi, bí danh hay bút danh khác nhau. Mỗi tên gọi, bí danh hay bút danh của Người đều có một ý nghĩa riêng, đều phục vụ lợi ích cách mạng. Hiện nay, chúng ta đã có điều kiện sưu tầm, xác thực 175 tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, ngoài ra vẫn còn khoảng 30 tên gọi, bí danh, bút danh được cho là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn hoặc chứng minh cụ thể Bác đã dùng vào thời gian nào, trong trường hợp nào, nên vẫn chưa thể công bố chính thức. Trong đó 175 tên gọi, bí danh, bút danh đã xác thực nổi bật nhất là hai cái tên “Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh”.

Nguyễn Ái Quốc – Người viết cáo trạng thực dân Pháp và vạch đường, chỉ lối cách mạng cho quốc dân đồng bào

Nguyễn Ái Quốc – Tên này có khi Nguyễn Tất Thành ở Pháp cùng sinh hoạt chung với nhóm người gồm các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Nguyễn Tất Thành là người đến gia nhập nhóm sau cùng. Song tên mới Nguyễn Ái Quốc thực sự được nhiều người biết đến khi Người thay mặt nhóm những  người Việt Nam yêu nước tại Pháp, ngày 18/6/1919 gửi lên Hội nghị Véc xây bản yêu sách 8 điều của nhân dân Việt Nam, đòi chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người viết hàng trăm bài phục vụ sự nghiệp tuyên truyền cách mạng. Trong khoảng thời gian từ 1919 đến 1926, bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng nhiều nhất, với hai tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925); “Đường cách mệnh” (1927). Với “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ tội ác của thực dân Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung để thức tỉnh đồng bào Việt Nam và các dân tộc bị áp bức. Còn “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã vạch đường, chỉ lối định hướng hành động cách mạng cho quốc dân đồng bào Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến giành lại độc lập, tự do.

Hồ Chí Minh – Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta

Danh xưng “Hồ Quang” hay “Hồ Chí Minh” ban đầu được Bác sử dụng như là một bí danh. Vào thời điểm cuối năm 1938, từ Liên Xô trở lại Trung Quốc hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng cái tên “Hồ Quang”. Ngày 13/8/1942, Người quay lại Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam. Lúc này, cái tên “Hồ Chí Minh” đã lần đầu tiên đã được Bác chính thức sử dụng trong các giấy tờ cá nhân. Đến ngày 2/9/1945, trong phần cuối bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chữ ký “Hồ Chí Minh” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức sử dụng cùng với chữ ký của 13 người khác là những vị Bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ mới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bằng đường lối kháng chiến đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lèo lái con thuyền cách mạng vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đuổi hoàn toàn thực dân, phong kiến, đế quốc, tay sai thu non sông về một mối, đưa cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Trong khóa họp lần thứ 24 (từ 20/10 – 20/11/1987) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2013, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã viết trong sổ lưu niệm: “nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân.”

Những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), là dịp để mỗi chúng ta thêm phần khắc sâu công ơn to lớn của Người, từ đó, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu lao động, học tập, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét