Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH, ĐẬP TAN LUẬN ĐIỆU CHỐNG PHÁ CỦA CÁC PHẦN TỬ PHẢN ĐỘNG, THÙ ĐỊCH, BẢO VỆ THÀNH CÔNG CUỘC BẦU CỬ ĐBQH KHÓA XIV VÀ HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các thế lực thù địch, các phần tử phản động, bất mãn đẩy mạnh các hoạt động chống phá với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Do đó, việc cảnh giác, phát hiện, vạch mặt và tích cực, kiên trì, kiên quyết đấu tranh, đập tan các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các phần tử phản động thù địch, bảo vệ thành công cuộc Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp là hết sức quan trọng và cấp bách.

Một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là tăng cường tuyên truyền, kích động xuyên tạc cuộc Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Trên nhiều trang mạng và đài, báo nước ngoài như danluan, RFA, RFI, BBC... xuất hiện các luận điệu cho rằng: Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng” và các tổ chức bầu cử là cánh tay “nối dài” của Đảng; “Cuộc bầu cử này chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”; “Cuộc bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”; “Việt Nam không có dân cử, dân bầu, chỉ có Đảng cử, Đảng bầu”; Đảng “phân biệt đối xử với người tự ứng cử”; ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử bị loại bỏ một cách “không thương tiếc”.
Các phần tử phản động, thù địch phát tán nhiều tài liệu kích động phản đối Quy chế bầu cử Quốc hội và cho đó chỉ là “hình thức”, là “dân chủ trình diễn”. Thậm chí có kẻ đã xuyên tạc: “Việc quy định con số và tỷ lệ đại biểu do Đảng áp đặt là tùy tiện, trái Hiến pháp”. Một số trang mạng bịa đặt: “Con số 896 ứng cử viên là do Đảng áp đặt, cơ cấu đại biểu là do Đảng quy định”. Họ kêu gọi, “hãy tạo ra 896 ứng cử viên “của dân” để đối lập với 896 ứng cử viên “của Đảng”. Sâu xa hơn, họ đòi xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, dân bầu”, xây dựng một thiết chế bầu cử theo kiểu phương Tây, phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do.
Đồng thời chúng tăng cường các hoạt động gây rối, đòi tẩy chay bầu cử, kích động nhân dân không đi bầu cử. Thông qua mạng xã hội chúng kêu gọi các phần tử bất mãn tụ tập đòi bãi bỏ cuộc bầu cử. Tại một số địa bàn trên cả nước, chúng rải truyền đơn, tờ rơi, lôi kéo, kích động nhân dân không đi bầu cử, gạch hết tên ứng cử viên trong phiếu bầu.v.v.
Trước các luận điệu xuyên tạc và chống phá cuộc Bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cần thấy rằng những luận điệu xuyên tạc và hoạt động chống phá của các thế lực phản động thù địch trên không có gì mới, thậm chí nó còn được chúng “nhai đi, nhai lại” nhiều lần, qua nhiều kỳ bầu cử. Tuy nhiên trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tính chất và tốc độ nguy hại của nó tăng nhanh hơn. Chúng ta phải nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh trên mọi lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tư tưởng – lý luận cần đặc biệt chú trọng.
Việc một số phần tử cho rằng bầu cử ở Việt Nam “Đảng cử, dân bầu”, chỉ là “dân chủ hình thức, dân chủ trình diễn”, “hầu hết đại biểu dân cử đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì sao là có dân chủ được?”. Đây là một kiểu lập luận mù quáng. Xin hỏi các nhà “dân chủ Việt” trên thế giới này có quốc gia nào không có vận động bầu cử của các đảng phái chính trị, không có “đảng cử, dân bầu”. Trong các nước tư bản, các đảng phái chính trị đóng vai trò rất lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên. Ở Cộng hòa liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu Nghị viện là độc quyền của các đảng phái chính trị. Những đảng có từ 5 ghế trở lên trong Nghị viện mới có quyền giới thiệu ứng cử viên nghị sĩ khóa tiếp theo. Ở Mỹ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thực hiện quyền đề cử của mình bằng cách tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng của mình và đưa các ứng cử viên nhiều triển vọng nhất ra tranh cử Tổng thống. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, Đảng phải cử những người ưu tú nhất ứng cử QH và HĐND các cấp là để thực thi sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các đại biểu ứng cử QH và HĐND các cấp đều do các tổ chức xã hội đề cử, được nhân dân lựa chọn trong một quy trình rất chặt chẽ.
Có hay không việc “các đại biểu chỉ là những đảng viên” như luận điệu của  các phần tử trên nêu ra. Xin trích dẫn bình luận của hãng tin Pháp AFP ngày 21/5/2011: “Các kỳ BCQH ở Việt Nam luôn cho phép ứng viên tự ứng cử và có gần 10% đại biểu quốc hội là người ngoài đảng”. Chỉ cần một dòng tin này đã cho thấy sự gian ngoa, thớ lợ của luận điệu trên đây như thế nào.

Cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là ngày Hội non sông. Nhân dân cả nước đang tràn đầy niềm phấn khởi, háo hức chờ ngày hội lớn để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Việc nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại những thủ đoạn gây rối, xuyên tạc, bôi nhọ, hòng phá hoại cuộc Bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là góp phần quan trọng vào sự thành công của sự kiện chính trị trọng đại này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét