Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

SỰ PHIẾN DIỆN CỦA NGUYỄN ĐÌNH CỐNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO

Đói nghèo là một hiện tượng khách quan, mang tính toàn cầu, nó không chỉ tồn tại trong những nước nghèo có thu nhập thấp, mà vẫn có ở ngay trong những nước phát triển. Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân mà tỷ lệ đói nghèo còn khá cao. Vì vậy, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm. Ngay từ ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi diệt ba thứ giặc “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Hơn 70 năm qua, dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ để người dân thoát nghèo đói. Xóa đói, giảm nghèo trở thành mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thế nhưng thời gian qua, trên các trang mạng xã hội như trang Ba Sàm đăng liên tiếp 4 kỳ bài “Tại sao đất nước ta mãi nghèo” của Cao Bao Do, hay ngày 21/8/2016 Nguyễn Hồng Hải đã hưởng ứng với bài “Con đường nào cho Việt Nam thoát nghèo”; nhất là ngày 23/8/2016 Nguyễn Đình Cống tiếp tục ủng hộ mô típ trên đã đăng bài “Làm sao để thoát nghèo”.
Trong bài viết của mình, Cao Bao Do cho rằng, sở dĩ Việt Nam nghèo đói là do những điểm yếu cố hữu như: sự lười biếng, tư duy nhỏ, lối áp đặt suy nghĩ và nền tảng triết học yếu kém. Nguyễn Hồng Hải cũng đồng tình với quan điểm trên và cả hai tác giả đều thống nhất cho rằng, để Việt Nam thoát nghèo cần nâng cao dân trí, khắc phục các điểm yếu cố hữu nêu trên và hình thành một nhóm trí thức thực tâm. Nguyễn Đình Cống lại cho rằng, những quan điểm trên là đúng, nhưng vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam không phải là thoát nghèo mà là “thoát khỏi nỗi bất hạnh”. Tuy nhiên, trong bài viết của mình thì Nguyễn Đình Cống đã dẫn chứng quanh co, quy kết một cách chủ quan và tìm giải pháp lại hướng về vấn đề thoát nghèo là: thay đổi thể chế (điều kiện cần) và điều kiện đủ như các tác giả đã trình bày ở trên.
Nếu nhìn thoáng qua tiêu đề của các bài viết thì người đọc rất dễ lầm tưởng đây là những bài viết có ý nghĩa, hướng vào vấn đề cần thiết và cấp bách hiện nay. Lầm tưởng những tác giả trên thực sự có tâm, có tầm, có nỗi lo cho cuộc sống của người dân nghèo đói. Nhưng khi đọc vào nội dung những bài viết trên, người đọc không khó để nhận ra sự phi lý, thiếu tính khách quan, khoa học, thậm chí là rất tầm thường của các tác giả trên. Đây thực chất vẫn nằm trong hệ thống những hoạt động chính của các thế lực thù địch, phản động tập trung tuyên truyền xuyên tạc, đả kích chính sách, pháp luật về chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Triệt để lợi dụng, khai thác những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, đặc biệt là những khó khăn về đời sống của người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…. nhằm kích động nhân dân, xuyên tạc sự thật, vu cáo Đảng, Nhà nước ngược đãi, phân biệt đối xử bất bình đẳng trong chính sách phát triển kinh tế giữa nông thôn với thành thị, đồng bằng với miền núi… Mục đích cuối cùng của họ là tiếp tục cổ vũ cho các chiêu bài “dân chủ”, “tôn giáo”, “nhân quyền” để tạo thành mũi nhọn và ngòi nổ tiến công để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thay đổi thể chế chính trị, tiến tới mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt các biện pháp mang tính tổng thể nhằm xóa đói, giảm nghèo đặc biệt là: Chương trình 135; Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình 173, 186… Nhờ những chính sách đó đã giúp người nghèo, người dân tộc xóa đói, giảm nghèo, lĩnh hội được các thành quả của quá trình phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, được thế giới và nhân dân thừa nhận. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trên toàn cầu về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (trong đó có xóa đói giảm nghèo) và nằm trong số 38 quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Những thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo những năm qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên như đã phân tích ở trên, với điều kiện thực tế của đất nước, việc xóa bỏ đói nghèo triệt để không thể giải quyết ngay một sớm một chiều. Vậy mà họ không biết, hoặc cố tình không biết và viện làm “cái cớ” để xuyên tạc, chống phá. Nhưng sự thật vẫn luôn luôn là chân lý, sự nghèo nàn, phản động trong tư duy và suy nghĩ của họ dù có che đậy bằng cách nào, dù ngòi bút có sắc lẹm đến đâu thì vẫn không giấu được mục đích thâm độc. Bằng chứng đó là, đầu bài viết Nguyễn Đình Cống nêu ra “nỗi bất hạnh”, nhưng cuối bài viết lại quay về mong muốn giải quyết cái nghèo. Và với các biện pháp họ nêu ra là: thay đổi thể chế chính trị, nâng cao dân trí, khắc phục những hạn chế cố hữu và hình thành tầng lớp trí thức thực tâm… là một minh chứng. Sự thật, việc nâng cao dân trí, khắc phục những tư tưởng, thói quen lao động nông nghiệp là một việc làm cần thiết mà nước ta đang thực hiện. Nhưng cái giải pháp mà Nguyễn Đình Cống tâm đắc đưa ra - “thay đổi thể chế chính trị” để xóa đói, giảm nghèo thì thật phi lý, phiến diện trong tư duy và hoạt động thực tiễn và nó đã lộ nguyên hình là tư tưởng phản động với mục đích chính trị thâm độc, rõ ràng.
                                                                                    Nhất Quang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét