Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Trớ trêu kẻ không tưởng gọi Chủ nghĩa Mác là không tưởng

Kẻ không tưởng là ai?
Lẽ thường người được ăn, được học, được giáo dục trưởng thành trong môi trường hòa bình mà biết bao thế hệ cha anh đổ xương máu để có được sẽ cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, xây dựng xã hội tốt đẹp trên chính quê hương mình. Đáng buồn thay một kẻ nhân danh công lý – luật sư lại đi ngược lại đạo lý này. Nói theo kiểu dân gian đây chính là “kẻ ăn cháo, đá bát”. Kẻ lật lọng đem kiến thức, hiểu biết mình có để phản Đảng, phản dân, hại nước, tán dương “tự do”, “nhân quyền” viễn vông chính là Trương Công Định – kẻ bị Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khai trừ năm 2009 và bị tuyên xử 5 năm tù giam, 3 năm quản chế về tội tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Sự võ đoán vô căn cứ của kẻ không tưởng
Mới đây khi rêu rao, tán dương chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, ngài “Lật sư” Trương Công Định lớn tiếng cho rằng “Chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa không tưởng, không bao giờ thành hiện thực”. Không hiểu vị “Lật sư” này căn cứ vào đâu để khẳng định điều này? Cái quy chụp xuyên tạc đó không hề dựa vào căn cứ nào hay nói cách khác chỉ dựa trên sự võ đoán, lấy hình thức quy chụp nội dung, lấy hiện tượng để quy chụp bản chất. Thật trớ trêu, một kẻ cổ súy cho giá trị tự do, dân chủ viễn vông như Định lại lấy cái không tưởng ngay từ trong đầu mình ra mà phán xét Chủ nghĩa Mác. Có lẽ cái đầu trống rỗng, không tưởng của vị “Lật sư” này cần phải được “hiệu chỉnh” lại để hiểu hơn những giá trị khoa học hiện thực của Chủ nghĩa Mác.
Nhắc lại Trương Công Định mấy điều
Chủ nghĩa Mác là sự phát triển đỉnh cao của tinh hoa trí tuệ nhân loại trong hành trình nhận thức bản chất tự nhiên, xã hội và tư duy. Chủ nghĩa Mác khác với CNXH không tưởng của Xanhximong, Phurie, Owen trước đó đã thất bại do không nhìn thấy con đường, lực lượng, biện pháp xây dựng CNXH. Bằng 2 phát kiến vĩ đại: Chủ nghĩa Duy vật lịch sử và lý luận giá trị thặng dư C.Mác đã chỉ rõ quy luật vận động phát triển từ thấp đến cao của xã hội loài người đồng thời vạch rõ bản chất bóc lột tinh vi, tàn bạo và sự diệt vong tất yếu của CNTB. Phát kiến vĩ đại của C.Mác đã đưa phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản từ tự phát thành tự giác, biến CNXH từ không tưởng thành hiện thực. Phát kiến vĩ đại của Mác khẳng định sự diệt vong tất yếu của CNTB và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản trong xóa bỏ phương thức sản xuất TBCN xây dựng một phương thức sản xuất mới, tiến bộ hơn, ở đó không còn chế độ người bóc lột người.
C.Mác cũng chỉ ra CNCS trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đặc biệt là trải qua thời kỳ quá độ với những mặt, mảnh ghép của một xã hội mới con non yếu và xã hội đã lạc hậu nhưng chưa bị diệt vong. Đó là quá trình đấu tranh lâu dài, quanh co, phức tạp giữa cái cũ và cái mới, có thể có những bước thụt lùi tạm thời nhưng cái mới, cái tiến bộ tất yếu chiến thắng. Chủ nghĩa Mác ra đời không chỉ dựa trên mảnh đất hiện thực là sự vận động nội tại của nền sản xuất TBCN mà còn được khẳng định trên thực tế nhiều quốc gia áp dụng mô hình CNXH. Muốn hay không những kẻ cực đoạn chính trị nhất vẫn không thể phủ nhận những thành tựu mà CNXH hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu, Việt Nam, CuBa…đã mang lại cho nhân loại tiến bộ. Nhưng những người cộng sản chân chính cũng không thể không khẳng định sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chứ không phải là sự sụp đổ về bản chất gốc rễ của CNXH từ lý luận Chủ nghĩa Mác. Điều đó cho thấy việc thành công hay thất bại tùy thuộc vào khả năng, trình độ của những người Cộng sản ở từng điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Có chăng sự thất bại, bước thụt lùi  sẽ đến nếu trên con đường xây dựng CNXH xuất hiện những kẻ cơ hội chính trị, những kẻ xét lại ảo tưởng như Trương Công Định mà thôi.
Đôi lời nhắn nhủ
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu nghĩa ngàn đời, luôn dang rộng cánh tay với những người lầm đường, lạc lối. Tất cả vẫn chưa phải đã muộn với những ai biết sám hối, đạo lý “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” của người Việt sẽ giúp những người như ông làm lại cuộc đời. Để hãy là người có ích, biết phát huy năng lực, trí tuệ, kiến thức hiểu biết của mình cho xã hội, cho dân tộc. Vì vậy, khi còn cơ hội hãy bỏ tối trở về với sáng; từ bỏ những giá trị tự do, dân chủ viễn vông, không tưởng của những kẻ ở trời Tây xa xôi để về với cuộc sống hiện thực tốt đẹp đang từng ngày, từng giờ nảy nở trên ngay chính quê hương, dân tộc mình./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét