Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

VẤN ĐỀ XÂY DỰNG QUAN HỆ SẢN XUẤT PHÙ HỢP TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta, với dã tâm thâm độc là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện được âm mưu này, trên lĩnh vực tư tưởng, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào chế độ, vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề “Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”. Bài viết cung cấp thêm một số luận cứ khoa học chứng minh cho việc xây dựng quan hệ sản xuất của đảng, nhà nước và nhân dân ta là hoàn toàn tiến bộ và phù hợp với qui luật khách quan.
Thứ nhất, quan điểm của C.Mác và Ăngghen về xây dựng quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ
C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên cho rằng, nền sản xuất xã hội có hai mặt là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, là hình thức xã hội của sản xuất, là cơ sở kinh tế, cơ sở sâu xa của đời sống tinh thần. Quan hệ sản xuất bao gồm quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất; quan hệ tổ chức quản lý và quan hệ phân phối sản phẩm. Ba yếu tố đó có liên quan khăng khít với nhau, thống nhất với nhau tạo nên một hệ thống mang tính ổn định tương đối so với lực lượng sản xuất. Trong đó, yếu tố thứ nhất đóng vai trò quyết định, nó quy định hai yếu tố sau. Tính chất của quan hệ sản xuất, trước hết được quy định bởi quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất-biểu hiện thành chế độ sở hữu đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất, quy định vị trí của từng tập đoàn người, từng giai cấp trong hệ thống sản xuất. Quan hệ tổ chức quản lý quy định trực tiếp quy mô, tốc độ hiệu quả, xu hướng của mỗi nền sản xuất. Quan hệ phân phối sản phẩm có tác dụng như chất xúc tác (kích thích hoặc kìm hãm), thúc đẩy (hoặc hạn chế) tốc độ, nhịp điệu của sản xuất.
Về chế độ sở hữu, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu luận điểm về xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân và xây dựng chế độ sở hữu xã hội. Theo đó, trong các nghiên cứu của mình về chủ nghĩa tư bản. C.Mác cho rằng: bất cứ ở đâu, giai cấp tư sản gành được chính quyền thì ở đó nó sẽ phá vỡ được mọi quan hệ và mối liên hệ phức tạp phong kiến lạc hậu, gia trưởng, đập tan được “tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ”1. Tính tất yếu của quá trình xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản và thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới chủ nghĩa xã hội được chỉ rõ trong bộ Tư bản của C.Mác rằng “sự độc quyền của tư bản trở thành những xiềng xích ràng buộc cái phương thức sản xuất đã thịnh vượng lên cùng với độc quyền đó và dưới độc quyền. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt tới cái mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư sản chủ nghĩa”2. Chính sự độc quyền của tư bản đã mở ra khả năng giải phóng toàn bộ thế giới khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản. Ăngghen cũng đã khẳng định: “chế độ tư hữu cũng phải được thủ tiêu và phải được thay bằng việc sử dụng chung tất cả mọi công cụ sản xuất và việc phân phối sản phẩm theo sự thỏa thuận chung, tức là bằng cái mà người ta gọi là sự cộng đồng về tài sản”3. Tuy vậy, Ph.Ăngghen cũng luôn nhắc nhở rằng, việc xóa bỏ chế độ tư hữu chỉ có thể thực hiện được khi lực lượng sản xuất đã phát triển ở trình độ cao, khi xã hội đã tạo được khối lượng tư liệu xã hội cần thiết.
Về chế độ quản lý kinh tế, C.Mác nhấn mạnh, quản lý kinh tế là một thứ lao động sản xuất cần phải tiến hành trong một phương thức sản xuất có tính chất kết hợp. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, để xây dựng chế độ quản lý kinh tế trong thời kỳ quá độ, cần phải sử dụng các biện pháp kinh tế xã hội để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất và hình thành quan hệ sản xuất mới cộng sản chủ nghĩa, củng cố vai trò lãnh đạo. Theo C.Mác “muốn biến một nền sản xuất xã hội thành một hệ thống thống nhất, rộng lớn và nhịp nhàng của lao động hợp tác tự do thì cần phải có những sự thay đổi chung của xã hội, những sự thay đổi trong các cơ sở của chế độ xã hội”4. Đối với quản lý kinh tế tập thể, theo Ph.Ăngghen, trong thời kỳ quá độ nền kinh tế chủ nghĩa cộng sản chưa hoàn thiện, chúng ta phải áp dụng nền sản xuất hợp tác xã coi như một giai đoạn trung gian trên quy mô lớn.
Trong xây dựng chế độ quản lý kinh tế, việc tăng cường củng cố nhân sự bộ máy quản lý có tầm quan trọng sống còn đối với phát huy vai trò của chính quyền cách mạng trong tổ chức nền kinh tế mới. Về vấn đề này Ph.Ăngghen nhấn mạnh: muốn không để mất một lần nữa quyền thống trị mà mình vừa giành được, giai cấp vô sản, một mặt phải xóa bỏ toàn bộ bộ máy áp bức cũ từ trước đến nay vẫn dụng để áp bức mình; mặt khác, lại phải đề phòng những đại biểu, viên chức của chính mình bằng cách tuyên bố tất cả những người này không trừ một ai, đều có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào.
Về xây dựng chế độ phân phối, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra nguyên tắc chung của sự phân phối trong xã hội cộng sản là “phân phối sản phẩm theo sự thỏa thuận chung, tức là bằng cái mà người ta gọi là sự công đồng về tài sản”5. Mặt khác, “cùng với sự phát triển toàn diện của các cá nhân, sức sản xuất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào-chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”6. Còn chủ nghĩa xã hội, phân phối cho tiêu dung cá nhân thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Sự tiến bộ của nguyên tắc phân phối theo lao động ở chỗ, không thừa nhận sự phân biệt giai cấp, sự cống hiến của mỗi người lao động được đo bằng hiệu quả lao động và phân phối sản phẩm tiêu dùng theo số lượng và chất lượng lao động. Theo C.Mác, trong thực tế thực hiện phân phối sản phẩm lao động trong nền kinh tế thời kỳ quá độ sẽ có những thiếu sót không thể tránh khỏi; do đó, chẳng những chưa thể có sự ngang nhau, mà còn tạo ra sự phân hóa nhất định trong xã hội. Luận giải về vấn đề này, C.Mác cho rằng: “với một công việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu dung của xã hội thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia”7. Luận giải trên của C.Mác à những chỉ dẫn về xây dựng chế độ phân phối đa hình thức trong nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ
Về chế độ sở hữu, V.I.Lênin là người kiên quyết đấu tranh để bảo vệ những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề sở hữu, đồng thời ông đã kế thừa và phát triển trong bối cảnh cách mạng tháng mười Nga giành thắng lợi. Theo ông, xóa bỏ chế độ tư hữu về tư lieu sản xuất có nghĩa là thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chuyển tư liệu sản xuất sang xở hữu toàn dân chứ không phải sang một hình thức sở hữu trung gian khác.
Đối tượng của việc xóa bỏ sở hữu tư nhân là tư liệu sản xuất chứ không phải tiêu liệu tiêu dung; đó còn là sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chứ không phải sở hữu cá nhân. V.I.Lênin khẳng định, xóa bỏ chế độ tư hữu là sự cải tạo xã hội chủ nghĩa, là bước đi đầu tiên để tiến tới xã hội công sản chủ nghĩa. Theo V.I.Lênin để thực hiện xã hội hóa tư liệu sản xuất theo chủ nghĩa xã hội (thiết lập chế độ sở hữu toàn dân) phải áp dụng những biện pháp, phương pháp khác nhau.
Quan điểm của V.I.Lênin về thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đa dạng hóa các thành phần kinh tế. V.I.Lênin kịch liệt phê phán tư tưởng nóng vội muốn xác lập ngay chế độ công hữu. Người cho rằng, trong điều kiện của một nước tiểu nông, ở đó những quan hệ kinh tế tư sản tuy đã hình thành nhưng chưa đạt được độ chín muồi để chiến thắng các quan hệ kinh tế. Muốn thực hiện tư tưởng xóa bỏ chế độ tư hữu với tư cách là chế độ sở hữu cổ truyền, không thể tiến công trực diện, phải có cách làm khác. Cách làm khác của Lênin chính là sử dụng những hình thức trung gian, những biện pháp quá độ và cách thức thực hiện chúng. Khẳng định tính thiết yếu của việc thực hiện các hình thức quá độ gián tiếp, những biện pháp trung gian, quá độ dặc biệt ở một nước tiểu nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Về tổ chức quản lý, V.I.Lênin là người đầu tiên chủ trương chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và đã đạt được những thành tựu quan trọng sau một năm thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP). Chính V.I.Lênin đã quan niệm về cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội được phát triển từ kinh tế thị trường khi có những điều kiện chính trị là nhà nước của nhân dân. Ông chủ trương khôi phục và sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ; cùng với phát triển kinh tế hàng hóa là việc chuyển đổi cơ chế quản lý tập trung cao độ sang quản lý dựa trên sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ và sử dụng các công cụ đòn bẩy kinh tế. Bởi, theo V.I.Lênin việc phat triển quan hệ hàng hóa-tiền tệ không thay đổi cho kế hoạch mà chỉ thay đổi cách làm kế hoạch. Xuất phát từ quan điểm như vậy, V.I.Lênin đã xây dựng phương pháp luận cho nguyên tắc kết hợp kế hoạch với thị trường và xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong quản lý kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Về thực hiện chế độ phân phối, V.I.Lênin khẳng định, trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, ngoài việc từng bước xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, còn phải thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Đó là thực hiện chế độ phân phối theo lao động cho tiêu dùng cá nhân dưới chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện phân phối theo lao động, V.I.Lênin chủ trương “phải thực hiện gấp rút, áp dụng trên thực tế và thí nghiệm chế độ trả lương theo sản phẩm”8; đồng thời thực hiện nghiêm ngặt chế độ hạch toán kinh tế nhằm đánh giá đúng mức cống hiến, làm cơ sở bảo đảm mức hưởng thụ của người lao động, lợi nhuận cho doanh nghiệp và thực hiện tăng năng xuất lao động.
Thứ ba, quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ
Để đi lên chủ nghĩa xã hội, nước ta cần phải trải qua giai đoạn dân chủ mới, bởi vì “… đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”11. Chính điểm xuất phát thấp này đã qui định tính chất phức tạp của kết cấu kinh tế - xã hội và sự tồn tại đồng thời của các thành phần kinh tế khác nhau. Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và chỉ ra các loại hình kinh tế, các hình thức sở hữu khác biệt, nhưng được cố kết lại thành một chỉnh thể kinh tế - xã hội quá độ trong quá trình vận động. Đặc biệt, khi sự tồn tại của các thành phần kinh tế khác nhau vẫn còn là một tất yếu khách quan và có vai trò nhất định đối với sự phát triển của nền kinh tế thì cần phải tiếp tục sử dụng, phát triển chúng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau”:
A - Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân).
B - Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).
C - Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội).
D - Tư bản của tư nhân.
E - Tư bản của nhà nước.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Người chỉ ra rằng, ở thời kỳ quá độ, nền kinh tế đó còn các hình thức sở hữu chính: “Sở hữu của nhà nước, tức là của toàn dân. Sở hữu của hợp tác xã, tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Sở hữu của người lao động riêng lẻ. Tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”. Tương ứng với chế độ sở hữu là các thành phần kinh tế. Hồ Chí Minh xác định: “Trong chế độ dân chủ mới, có 5 loại kinh tế khác nhau…trong 5 loại ấy, loại A (kinh tế quốc doanh) là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả”12. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”.
Thứ tư, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới hiện nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng các quan hệ sản xuất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI đề ra đường lối đổi mới chú trọng hàng đầu việc phải giải phóng sức sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu sản xuất, bố trí lại cơ cấu đầu tư; xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp, cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động. Tư duy đúng đắn nêu trên đã được Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, phát triển. Đại hội VII nêu định hướng, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, phải thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Đại hội VIII xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đại hội IX nêu rõ thêm, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Đại hội X đã khái quát một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đại hội XI đã xác định lại, một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.
Nhất quán với quan điểm đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn và thiết thực, Đại hội XII một lần nữa khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Được nhìn nhận đồng bộ trên cả 3 bình diện:
Về mặt sở hữu, “có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.
Về mặt tổ chức và quản lý sản xuất, nền kinh tế nước ta “vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội”.
Về mặt phân phối, nhất quán chủ trương phân phối công bằng cả các yếu tố sản xuất, các cơ hội, điều kiện phát triển và sản phẩm làm ra; phân phối chủ yếu căn cứ vào kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác, phân phối thông qua hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội. nghị quyết Đại hôi XII một lần nữa nhấn mạnh: “Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”.
Thứ năm, những thành tựu trong xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp của nước ta
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhìn tổng thể hơn 30 năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đó, có thành tựu về nhận thức và vận dụng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, việc nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, các quan hệ sản xuất ở nước ta đã được xây dựng, củng cố phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, phù hợp với mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội điều đó được thể hiện:
Một là, đã đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Do trình độ của lực lượng sản xuất ở nước ta đa dạng, không đồng đều do đó phải xây dựng một quan hệ sản xuất phù hợp. Cùng với tiến trình xã hội hóa lực lượng sản xuất do công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại, con đường cơ bản của sự phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nước ta là sự hình thành đa dạng các hình thức sở hữu hỗn hợp, đan kết lẫn nhau giữa hai nhân tố công hữu và tư hữu bằng những hình thức kinh tế trung gian quá độ. Trong đó, nhân tố công hữu đã và đang thay đổi, vừa phải phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, vừa phải làm tốt vai trò chi phối và chủ đạo trong nền kinh tế.
Đến nay, các thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước nhằm tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và giữ được sự ổn định về chính trị, gắn với công bằng xã hội. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Hai là, cơ chế quản lý kinh tế: Chuyển hẳn từ nền kinh tế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước đóng vai trò định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả của cơ chế quản lý kinh tế được thể hiện rõ nét trong các ngành kinh tế lớn như sau:
Trong nông, lâm nghiệp và thủy sản: Mô hình quan hệ sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Từ mô hình dồn điền, đổi thửa; mô hình trang trại hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, doanh nghiệp hộ gia đình rồi đến hợp tác xã kiểu mới và bây giờ là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp chuyên nghiệp và các hộ nông dân. Nếu như mô hình dồn điền, đổi thửa được coi là sự khởi đầu của quá trình tập trung đất đai thì mô hình trang trại hộ gia đình là mô hình phát triển mang tính tự nhiên nhưng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực của những nông dân tiên tiến, thực sự muốn đi lên làm giàu từ nông nghiệp. Còn mô hình hợp tác xã kiểu mới giúp các hộ xã viên những khâu dịch vụ như cung cấp giống cây trồng hay vật nuôi; tìm kiếm quy trình sản xuất hiện đại hay tập trung tiếp cận thị trường. Các hộ gia đình vẫn tự canh tác trên đất đai của mình theo một quy trình sản xuất được hợp tác xã hướng dẫn. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp chuyên nghiệp và hộ nông dân được coi là mối quan hệ sản xuất có triển vọng nhất dựa trên nguyên tắc nông dân có đất, doanh nghiệp có tài chính và công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản.
Trong các ngành kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản: Từ cơ chế quản lý kinh tế cũ theo mô hình xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành nên cơ chế quản lý kinh tế thị trường theo mô hình doanh nghiệp, công ty, tổng công ty, tập đoàn. Năm 2017, có thêm 69 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng vốn điều lệ trên 161 nghìn tỷ đồng (dự kiến Nhà nước nắm giữ 53%, cổ đông chiến lược 31%, người lao động 1%, tổ chức công đoàn 0,02% và bán đấu giá ra bên ngoài 15%). Theo báo cáo sơ bộ, số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn, vốn điều lệ giảm mạnh (năm 2011 là 20 nhóm ngành, lĩnh vực; cuối năm 2016 còn 11 nhóm ngành, lĩnh vực). Đến hết năm 2017, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Năm 2017, giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160,1 nghìn tỷ đồng, gấp 6,34 lần năm 2016. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách năm 2017 đạt gần 145 nghìn tỷ đồng (cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 60 nghìn tỷ đồng Quốc hội giao năm 2017), trong đó thu từ cổ phần hóa là 5,2 nghìn tỷ đồng; thu từ thoái vốn 139,4 nghìn tỷ đồng (giá trị sổ sách là 8,9 nghìn tỷ đồng).
Trong hoạt động thương mại, trình độ và cách quản lý kinh doanh cũng thay đổi, ngoài cửa hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống đã hình thành các cửa hàng lớn, trung tâm thương mại, siêu thị. Tính đến 31/12/2017, cả nước có 958 siêu thị, tăng 70,2% so với năm 2010; 188 trung tâm thương mại, tăng 86,1. Các loại thị trường hiện đại đã được hình thành và dần dần hoàn thiện ở nước ta từng bước.
Ba là, quan hệ phân phối: Đã và đang thực hiện phân phối công bằng các yếu tố sản xuất, các cơ hội, điều kiện phát triển và sản phẩm làm ra; phân phối chủ yếu căn cứ vào kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác, phân phối thông qua hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội. Phân phối thu nhập trong xã hội đã đóng vai trò rất quan trọng và không ngừng được thay đổi theo hướng tiến bộ, công bằng hơn. Nhờ đổi mới chế độ phân phối đã góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách với gia đình và người có công, các chính sách an sinh xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị giảm từ 6,42% năm 2000 xuống còn 4,29% năm 2010 và còn 3,10% năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành đã tăng từ 1.387 nghìn đồng năm 2010 lên 3.760 nghìn đồng năm 2018, gấp 2,7 lần so với năm 2010. Tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,2% năm 2010 và tiếp tục giảm xuống 7% năm 2015 theo chuẩn nghèo của Chính phủ. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,572 năm 2010 lên 0,683 năm 2015 và đạt 0,694 năm 2017.
Tóm lại, có thể khẳng định xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp ở nước ta là quá trình Đảng, nhà nước và nhân dân ngày càng nhận thức và vận dụng đúng đắn hơn quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Văn Hiến

Tài liệu tham khảo
1. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t4, tr.600
2. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t4, tr.616
3. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t4, tr.467
4. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t4, tr.264
5. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t4, tr.467
6. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t19, tr.33
7. C.Mác và Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t19, tr.35
8. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, t36, tr.231
 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 06-NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương 6 khoá VI ngày 29 tháng 03 năm 1989 về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2016, tr 25.
11. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, t.10, tr.13.
12. Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.247 - 248.
13. Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.222.
14. Tổng cục Thống kê năm 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét