Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

GẤU TRÚC THAM LAM


Trung Quốc với dã tâm độc chiếm Biển Đông, thời gian qua đã có nhiều hành động vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền của Việt Nam, với việc gia tăng các hoạt động quân sự, thành lập các đơn vị hành chính phi pháp và thực hiện hành động “cướp biển” của mình với các ngư dân Việt Nam… Trong giấc mộng hướng Nam của mình, Trung Quốc đã gặp một đối thủ rất “nặng đô” – Việt Nam. Trung Quốc rất hiểu Việt Nam, và người Việt Nam “đọc vị” Trung Quốc chưa một lần sai. Trung Quốc luôn mong “một đối một” với Việt Nam, để chơi trò “lấy thịt đè người” trong cuộc chiến tay đôi, nhưng Việt Nam luôn đặt việc giải quyết Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua con đường ngoại giao, bằng phương thức hòa bình. Đây là thứ Trung Quốc không muốn và cũng chưa có cách nào để khắc chế được sự mềm mỏng, quyết đoán, đúng luật của Việt Nam. Chính vì vậy trong thời gian gần đây Trung Quốc luôn tăng cường các hoạt động mang tính “khiêu khích”, nhằm “dụ” Việt Nam nổ súng trước, để hợp thức hóa cuộc chiến “mộng tưởng” của mình. Biến vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp, biến vấn đề đa phương thành song phương, “cả vú lấp miệng em” vừa có thể vu cáo Việt Nam, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao, kinh tế để bao vây, ngăn cản, cản trở đưa Việt Nam vào thế khó, và từng bước tìm cách cô lập và khuất phục Việt Nam… Bên cạnh đó Trung Quốc thời gian qua đã không ngại bỏ bộ mặt nạ “lòng tham” và sự phi lý của mình liên tục tuyên truyền về đường 9 đoạn thuộc chủ quyền của Trung Quốc, thông qua những việc “con trẻ” nhưng thực sự hiểm độc, như in bản đố Trung Quốc có đường 9 đoạn lên khẩu trang trong đại dịch Covid-19; in lên visa, đồ chơi, thậm chí còn “đạo ảnh” của họa sĩ nước Ý khi vẽ thêm đường 9 đoạn, đến lúc bị bóc mẽ vẫn tỉnh bơ như không… Như thế để biết anh bạn hàng xóm – chú gấu trúc tham lam này nhiều mộng tưởng bao nhiêu thì nguy hiểm, thâm độc bấy nhiêu.
Giờ chúng ta nói qua về vị trí địa chính trị của Trung Quốc (Trung Hoa) để có thêm một góc nhìn cụ thể và lý giải rõ hơn về những tham vọng của Trung Quốc!. Nếu ngắm nhìn Trung Quốc từ cửa sổ Trung Nam Hải, chủng ta thấy gì? Bạn thấy ba vạn quân Mỹ án ngữ bán đảo Triều Tiên. Căn cứ quân sự và hạm đội Mỹ trải dài trên quần đảo Nhật Bản. Cách bờ biển Phúc Kiến 160 km là Đài Loan, một vùng đất tuyên bố chủ quyền, xuôi về phía Nam là Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Hạm đội 7 khống chế vùng Tây Thái Bình Dương bao gồm cả eo biển Malacca và quần đảo Indonesia. Bạn thấy phía Bắc là khu tự trị Nội Mông, phía Tây là khu vực Hồi giáo bất ổn Tân Cương, phía Tây Nam là Tây Tạng, phía Nam là khu tự trị Zhoang. Tất cả đều án ngữ các vùng cao, kiểm soát đầu nguồn các nguồn nước, và họ không phải là người Hán. Nói cách khác như các nhà phân tích chính trị đã gọi Trung Quốc đang bị giam hãm bởi địa lý và địa chính trị. Chính giới cầm quyền Trung Quốc hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết, muốn phá “lời nguyền địa lý” và thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” buộc Trung Quốc phải Nam tiến, tìm cách kiểm soát đại dương, mở cảng nước sâu ở Ấn Độ Dương, gia tăng tranh chấp Biển Đông, tranh chấp các quần đảo với Nhật Bản... Trên con đường mang tên tơ lụa ấy một vài nước đã và cận kề việc mắc nợ Trung Quốc các khoản tiền không có khả năng chi trả, buộc phải đánh đổi bằng việc cho phép các công ty Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên quý giá, sở hữu 99 năm những hải cảng, vùng đất có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến an nguy của quốc gia và ảnh hưởng tới thế bố trí chiến lược trên thế giới. Đơn cử tháng 12/2017, Chính phủ Sri-Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương 99 năm để ''cấn trừ'' bớt khoản nợ 7 tỷ USD mà nước này đã vay. Bắc Kinh không quan tâm tới tình trạng của nước đi vay; thậm chí không đoái hoài tới tác động môi trường, tác động xã hội hoặc hiệu quả kinh tế của các dự án vay nợ; chỉ cần con nợ phải trả theo lãi suất thương mại, trả nợ bằng tài nguyên thiên nhiên, bằng cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp sở tại hoặc quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc phải do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, bằng nguyên vật liệu và nhân công Trung Quốc.
Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thúc đẩy dịch chuyển dân cư, tăng cường các hoạt động ngoại giao, đầu tư, cho vay “viện trợ”… người Trung Quốc đang muốn thúc đẩy sự pha trộn văn hóa, tăng sự hiện diện của mình trên thế giới, để lấy “máu mặt” với các nước lớn, thể hiện vị thế “cửa trên” với các nước nhỏ, dần thế chân và gia tăng sự ảnh hưởng ở các khu vực truyền thống chị ảnh hưởng của các nước lớn trước kia. Trong nước Trung Quốc tìm cách đưa quyền lực Nhà nước vươn sâu tới các khu tự trị, từng bước ổn định Hồng Kông, Đài Loan…
Nói như vậy để chúng ta thấy tổng thể dã tâm của Trung Quốc, để mỗi người dân Việt Nam thấu hiểu hơn chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để thấu hiểu và chia sẻ với những ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ ngư trường; để chúng ta thấy được những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK, đảo chìm, đảo nổi, lực lượng cảnh sát biển…Nơi những trận cuồng phong, sóng dữ không hiểm nguy bằng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, một phút lơ là thôi cũng phải trả giá bằng sinh mệnh, bằng chủ quyền quốc gia…Nói đến vị trí địa chiến lược “siêu” quan trọng của Biển Đông, thì cần phải bàn tới trong một bài viết khác nhưng có thể gọi Biển Đông như là động mạch của trái tim kinh tế thế giới, những trữ lượng tài nguyên lớn đến mức làm cho các nước lớn không thể ngồi yên được!
Một số ý kiến cho rằng cần dựa vào Mỹ để đánh đuổi Trung Quốc lấy lại biển, đảo của nước ta. Xin hãy nhớ rằng thứ chủ quyền có được dựa trên sự ban phát hay bảo hộ của nước khác cực mong manh, và đấy không phải là thứ người Việt Nam chúng ta cần. Về âm mưu của Mỹ trên Biển Đông chúng ta đã đề cập ở bài viết “Bóc mẽ ván bài của Mỹ trên Biển Đông”. Ở khía cạnh khác có người cho rằng cần tiến hành một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, xin thưa chiến tranh không phải là trò đùa, không phải là việc con trẻ, thích là có thể làm, mà đây là việc quốc gia đại sự, dẫu thắng hay thua, dẫu mạnh hay yếu thì chiến tranh là lựa chọn cuối cùng cho các bên tham chiến. Vậy chúng ta đã, đang làm gì để bảo vệ biển đảo quê hương, đấu tranh bảo vệ quyền lợi, lợi ích của Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau trong khu vực và trên thế giới, trong quan hệ song phương, đa phương? Trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, giữa đối tượng và đối tác. Đâu là lời giải cho bài toán thích ứng và phát triển của Việt Nam hiện nay? Các nhà phân tích thế giới đánh giá Việt Nam ra sao? Tại sao năm 2019 khi mây phủ khắp nơi, mà mặt trời lại có ở Việt Nam? Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới thì ở Việt Nam với những biện pháp kịp thời, quyết liệt; sự ủng hộ và tin tưởng của người dân đối với Chính phủ cao nhất thế giới, không có ai phải chết do dịch bệnh, đến nay đã qua ngày không có ca nhiễm mới…. để giải đáp được vấn đề này một cách thấu đáo mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo. Ngay trong cơn đại dịch này đây, cả thế giới đang hướng về, trông đợi và hy vọng ở Việt Nam, người ta biết rằng ở đó không chỉ có sự an toàn mà còn có những thứ khác lớn lao hơn. Việt Nam đang và sẽ định nghĩa lại rất nhiều những khái niệm mới, giống như Việt Nam đã làm vào ngày 30/4 cách đây 45 năm…
Hoahuongduong1386


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét