Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

GÓP PHẦN PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ CHỦ TRƯƠNG KHÔNG LIÊN MINH QUÂN SỰ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA


Sách trắng Quốc phòng 2019, xác định: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc dùng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Một số bài viết trên mạng xã hội, báo điện tử nước ngoài,… ra sức hô hào, kêu gọi Việt Nam “phải thực hành liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc”, ẩn ý của họ nhắm tới là kích động dư luận xã hội phủ nhận, lên án và gây áp lực với Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo ra những bất ổn, tiêu cực về quốc phòng, an ninh, gây mất ổn định chính trị, phá vỡ nền hòa bình, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần phải kiên quyết phê phán, bác bỏ ý kiến sai trái này.
Thứ nhất, “Liên minh quân sự là sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều nước hay tập đoàn chính trị trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích. Tùy thuộc vào mục đích chính trị, liên minh quân sự có thể là tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược”[1]. Theo đó có thể thấy: Liên minh quân sự tất yếu không chỉ hỗ trợ và ràng buộc nhau về quân sự mà còn cả chính trị và kinh tế; phải dựa trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích, trước hết là phải chấp nhận các điều kiện có đi, có lại về chính trị, kinh tế, nhiều khi là cả chủ quyền quốc gia; tùy theo mục đích chính trị, kinh tế đến đâu mà các nước liên minh trước sau sẽ bộc lộ bản chất tiến bộ - phản động, tự vệ - xâm lược, chính nghĩa - phi nghĩa, vụ lợi - cùng có lợi. Nếu liên minh đó là chính nghĩa, trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, thì nó sẽ phát huy tác dụng trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của các bên tham gia, đóng góp chung cho sự tiến bộ của nhân loại. Ngược lại, liên minh đó là phản động, phi nghĩa, thì càng làm gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa các nước, các khối quân sự; tạo nguyên cớ để các nước có mưu đồ xấu, các khối quân sự chạy đua vũ trang, đẩy mạnh hoạt động, tăng cường hiện diện quân sự, đẩy thế giới, khu vực và đất nước đến chiến tranh.
Thứ hai, Thực tiễn lịch sử thế giới gần đây cho thấy, các cuộc chiến tranh và xung đột khắp Nam Âu đến Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi mấy thập niên qua, điển hình như nội chiến ở Xy-ri, xung đột ở U-crai-na,… đều chỉ ra, một trong những nguyên nhân là chính sách đối nội và đối ngoại thiếu sự nhất quán của đảng cầm quyền và của chính phủ các nước đó. Chính phủ và ngay cả một bộ phận nhân dân các nước này luôn trông chờ sự “cứu giúp” của các thế lực bên ngoài. Vì vậy, các quốc gia phải cân nhắc cái được và cái mất để quyết định trước khi tham gia hay không tham gia liên minh.
Thứ ba, Việt Nam "không tham gia liên minh quân sự" vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt thù. Liên minh quân sự nghĩa là phải gắn hẳn với một bên, có thể đối đầu với bên khác, tức là chuốc thêm kẻ thù. Việt Nam không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, lẽ phải, công lý, pháp lý quốc tế. Bây giờ, các nước luôn đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, không ai đi bảo vệ thay cho nước khác. Lịch sử chiến tranh của Việt Nam đã khẳng định, chỉ khi có chính nghĩa chúng ta mới giành được thắng lợi, mà muốn có chính nghĩa thì phải giữ cho được độc lập, tự chủ.
Thứ tư, Lịch sử đã chứng minh, Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược bởi chúng ta có một thứ “vũ khí” vô cùng quan trọng, đó là nhân tố chính trị - tinh thần to lớn, lòng yêu nước nồng nàn, “chúng chí thành thành”, “toàn dân là lính” của toàn dân tộc nhân lên sức mạnh của mọi thứ vũ khí khác. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Việt Nam đã vượt qua gian khổ, ác liệt, hy sinh và được bạn bè quốc tế giúp đỡ, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh với vũ khí, trang bị hiện đại nhất, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
Thứ năm, Tiềm lực quân sự Việt Nam hiện nay đã lớn mạnh hơn bao giờ hết, có Đảng chân chính lãnh đạo, có Nhà nước vững mạnh, gần một trăm triệu người dân “muôn người như một”; Việt Nam được đánh giá có một nền kinh tế năng động, phát triển trong khu vực năng động, phát triển nhất và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, hiệu quả; Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; Việt Nam có một thế trận quốc phòng vững chắc là “thế trận quốc phòng toàn dân”, mà “thế trận lòng dân” là cốt lõi, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội, đối ngoại; có nghệ thuật quân sự độc đáo, phong phú, được đúc rút từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, làm chủ khoa học, công nghệ cao, vũ khí trang bị hiện đại, bảo đảm phòng, chống hiệu quả và giành thắng lợi trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Đó là cơ sở lý luận, thực tiễn khẳng định Việt Nam có đủ khả năng để thực hiện đường lối độc lập, tự chủ trong bảo vệ Tổ quốc, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cở sở luật pháp quốc tế, mà không cần thực hiện liên minh quân sự.
Mặc dù vậy, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 xác định: “Tùy theo tình hình cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”2. Vấn đề ở chỗ, đây là chiến lược quốc phòng trong thời bình, khi đất nước có nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước sẽ phải hoạch định những chiến lược phù hợp với tình hình thời chiến. Qua đó cho thấy, chính sách quốc phòng của Việt Nam không chỉ đúng mà còn linh hoạt, mềm dẻo, hợp lý, hợp thời, nhằm phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hơn nữa, chúng ta không liên minh quân sự, nhưng vẫn tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia để có sự ủng hộ quốc tế, không để bị bao vây, cô lập. Việt Nam có quan hệ quốc tế với 194 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có quan hệ với tất cả các nước lớn; được hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng đánh giá cao và ủng hộ chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam hiện nay.
Với tình hình quốc tế, khu vực, khả năng của đất nước và cách xử trí đối với các thách thức quốc phòng hiện tại, tin rằng chúng ta đủ điều kiện để quản trị được tình hình an ninh, không để phát sinh xung đột, không để xảy ra chiến tranh.
V.Đ.V

[1] Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 610.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét