Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Ai mới mơ hồ hoang tưởng?

 

Trên trang mạng xã hội, mới đây Nguyên Anh lại giật tít “Những điều mơ hồ hoang tưởng”. Trong bài viết đó, y đã cố tình xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành tựu mà đất nước và nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng khi cho rằng: “Việt Nam không thể nào có thể tiến đến một cái xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa”. Đây là một luận điệu hết sức phản động, cho thấy dã tâm quyết chống phá Đảng, Nhà nước ta, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Nguyên Anh. Song, luận điệu phản động của y bị lịch sử và thực tiễn sống động ở Việt Nam hiện nay bác bỏ. Bởi lẽ:

Thứ nhất, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, phù hợp với quy luật của lịch sử.

Suốt thời gian dài bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược, nhân dân ta đã thấy rõ bản chất áp bức, bóc lột, bất công, tàn bạo của thực dân, đế quốc. Nhiều lực lượng trong xã hội và một số nhà yêu nước đã đứng lên làm cách mạng nhưng đều bị thất bại; chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam mới chấm dứt sự bế tắc về đường lối cách mạng. Theo đó, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam được đặt trong quỹ đạo cách mạng vô sản; là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Do đó, đối với cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu khách quan, là khát vọng của nhân dân ta, là mục tiêu xuyên suốt đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng; nhờ đó toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã lập nên bao kỳ tích, giành độc lập, thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề quan trọng để nước ta đổi mới và phát triển toàn diện trên tất các lĩnh vực, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là minh chứng sinh động về tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang xây dựng.

Có thể khẳng định rằng, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: tăng trưởng kinh tế luôn đạt 6% đến 7%/năm (năm 2020, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao, đạt 2.91%); lạm phát ở mức thấp, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đang hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng khi tầng lớp trung lưu chiếm 10% dân số hiện nay sẽ tăng lên 50% vào năm 2035 theo như dự báo của Ngân hàng thế giới. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó chính là cơ sở kinh tế – xã hội, tiền đề, nền tảng cho chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Năm 2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 2,75% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế được tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận. Trong đại dịch Covid-19, với bao khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn giữ những nguyên tắc bất di, bất dịch, đó là ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Mục tiêu ấy phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng lòng, ủng hộ và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Đây chính là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong tương lai. 

Vì vậy, luận điệu của Nguyên Anh đưa ra đã thể hiện rõ bộ mặt của kẻ phản động, chống phá cách mạng nước ta. Do đó, mọi người cần nâng cao cảnh giác và đấu tranh bác bỏ. Đồng thời, chúng ta luôn vững tin vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, đưa Việt Nam vững bước trên con đường trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét