Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

CẦN XỬ LÝ NGHIÊM MINH HÀNH VI TRỐN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

 Thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiến hành nhiều hành vi xấu độc, trong đó có việc chống phá Luật Nghĩa vụ quân sự. Chúng xuyên tạc tính đúng đắn, sự cần thiết của Luật, nói xấu môi trường Quân đội, kêu gọi, kích động thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những thông tin dưới tiêu đề “trốn nghĩa vụ quân sự như thế nào?” hay “hướng dẫn cách trốn nghĩa vụ quân sự”. Thậm chí chúng còn trắng trợn kêu gọi thanh niên phản đối, tẩy chay thực hiện nghĩa vụ quân sự, đưa ra những khẩu hiệu láo xược, vô lý như “Trốn nghĩa vụ quân sự sẽ sống, thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ chết” hay “Thà đi tù vì trốn nghĩa vụ quân sự, còn hơn đi nghĩa vụ quân sự để mất mạng”.

Mặc dù rất quyết liệt, thâm độc, nhưng sự chống phá trên của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã bị thất bại, bởi trên thực tế thời gian qua, chúng ta vẫn đã và đang thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự. Công tác tuyển quân hằng năm rất chu đáo với tỷ lệ tuyển quân đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, chất lượng cao. Ngày giao quân đã thực sự trở thành ngày hội của toàn quân, toàn dân với những việc làm thiết thực ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Đó là nhờ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, quyết tâm và hành động thiết thực của quân và dân, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan đơn vị quân đội, nhất là lực lượng thanh niên và gia đình họ.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng trốn nghĩa vụ quân sự, gây hậu quả xấu và sự bức xúc trong dư luận xã hội. Nhìn chung những trường hợp có biểu hiện trốn tránh nghĩa vụ quân sự thường đều được giáo dục, nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính. Đối với những hành vi cố tình vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi thấy cần thiết cũng được đưa ra xử lý nghiêm khắc bằng pháp luật. Những năm gần đây một số địa phương đã xử lý công khai, nghiêm minh các vụ trốn nghĩa vụ quân sự với bản án nghiêm minh. Như, năm 2020, bị cáo Lê Chí Nguyện, sinh 1996 ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã bị tòa án nhân dân huyện Hòa Bình xử phạt 4 tháng tù giam về tội “Trốn nghĩa vụ quân sự”; năm 2021, tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thạnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1999 ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, 15 tháng tù giam về tội “Trốn nghĩa vụ quân sự”…

Nhiều vụ án trốn nghĩa vụ quân sự được tổ chức xét xử di động tại địa phương nhằm tăng cường tính răn đe, giáo dục. Tại tỉnh Nam Định, tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hưng từng đưa ra xét xử công khai, lưu động vụ án trốn nghĩa vụ quân sự với bị cáo Hoàng Quốc Kỳ sinh năm 1998 tại thị trấn Liễu Đề, với mức án 4 tháng tù giam. Việc đưa vụ án này về địa phương xét xử công khai đã được dư luận nhân dân đồng tình, hoan nghênh, qua đó có tác dụng răn đe, giáo dục rất cao, giúp cho công tác tuyển quân ở huyện Nghĩa Hưng và tỉnh Nam Định ngày càng tốt hơn.

Để Luật Nghĩa vụ quân sự ngày càng được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trong cuộc sống, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đồng bộ chặt chẽ, chu đáo nhiều biện pháp tổng hợp. Cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động công dân đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự và gia đình tự giác chấp hành nghiêm chỉnh; huy động sức mạnh cả cộng đồng cùng đồng thuận thực hiện; khen thưởng kịp thời việc làm tốt, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm; kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xấu… đối với Luật Nghĩa vụ quân sự, là biện pháp thiết thực, hiệu quả tạo sức mạnh cho việc thực hiện nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam./.

MH.K5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét