Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

Không thể xuyên tạc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam

 

Vừa qua, trang “Facebook: Hội những người cầm bút can đảm” đã đăng tải bài viết của Phạm Trần: “Đảng và Nhà nước CSVN đã và đang vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ đất nước của công dân”. Bài viết có nhiều nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, trong đó xuyên tạc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xam lược của dân tộc Việt Nam.

Phạm Trần cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng là “không chính danh mà cũng chẳng chính đáng”, bởi vì đã “cướp chính quyền hợp pháp Trần Trọng Kim bằng bạo lực ngày 19/8/1945” nên “đã gây ra 30 năm chiến tranh “huynh đệ tương tàn”…, không đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho dân mà còn làm kiệt quệ đất nước và chia rẽ dân tộc”. Thực tế đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc này.

Thứ nhất, “chính quyền hợp pháp Trần Trọng Kim” chỉ là tay sai của phát xít Nhật.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và nắm quyền trên toàn cõi Đông Dương. Phát xít Nhật đã hứa với vua Bảo Đại sẽ giúp để trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Mưu đồ của phát xít Nhật là thành lập ra bộ máy cai trị để thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, thực chất trao trả độc lập chỉ là chiêu bài mua chuộc của phát xít Nhật đối với Bảo Đại khi ấy. Đó là lý do mà Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời.

Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập ngày 17/4/1945 và danh sách nội các được trình vua Bảo Đại phê chuẩn. Danh sách nội các không có Bộ Quốc phòng – an ninh. Một chính phủ không có quân đội, danh sách nội các phải trình xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại sứ Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama. Vậy nên nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định đó là chính phủ chuyển từ lệ thuộc thực dân Pháp sang phát xít Nhật.

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sự thật đã cho thấy, nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”1. Tác giả người Anh Thomas Hodgkin trong cuốn Thế giới bàn về Việt Nam đã đánh giá về Cách mạng Tháng Tám: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa”2. Điều đó đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc về cái gọi là “chính quyền hợp pháp” của Chính phủ Trần Trọng Kim.

Thứ hai, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là các cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nước Pháp, mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Để duy trì nền hòa bình mong manh, Đảng và Chính phủ ta đã hết sức nhân nhượng thực dân Pháp thông qua việc ký bản Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và bản Tạm ước Việt – Pháp (14/9/1946). Song chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Chúng liên tiếp gây ra các vụ xung đột ở phía Bắc vĩ tuyến 16 vào cuối năm 1946, đặc biệt là chúng gửi tối hậu thư trong hai ngày 18 và 19/12/1946, đòi ta phải phá bỏ công sự trong thành phố và đòi để chúng kiểm soát, giữ gìn trật tự tại Hà Nội. Rõ ràng thực dân Pháp rất ngoan cố, muốn thực hiện đến cùng dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Do đó, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945 – 1954) của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là cuộc kháng chiến chính nghĩa để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1950, Mỹ chính thức can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Đông Dương (MAAG) của Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự cho Pháp, từ 52 tỷ phrăng lên tới 751 tỷ phrăng năm 1954, chiếm 73,9% chi phí chiến tranh. Tiếp đó, Mỹ nhanh chóng gạt Pháp, trực tiếp tiến hành tổ chức quân đội, chính quyền mới, tiến hành bầu cử riêng rẽ ở miền Nam Việt Nam (đầu năm 1955), lập ra cái gọi là chính thể “Việt Nam Cộng hòa”, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ. Mỹ đã tiêu tốn vào cuộc chiến 676 tỷ Usd; cử 6,6 triệu lượt quân tham chiến; huy động 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân; trên 72 nghìn quân các nước đồng minh Mỹ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam7. Với những vũ khí mới nhất, với khối lượng lớn bom đạn, chất độc hóa học, chất độc da cam, quân đội Mỹ đã tiến hành càn quét, đốt phá, và giết hại nhiều dân thường. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học8. Cùng với việc đưa quân vào miền Nam, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại vô cùng khốc liệt đối với miền Bắc Việt Nam./.

Việc Mỹ áp đặt chế độ thống trị thuộc địa kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, gây chiến tranh tàn phá đất nước Việt Nam, là cuộc chiến tranh xâm lược đối với một quốc gia độc lập có chủ quyền. Nguồn gốc chiến tranh là mưu đồ chính trị và trực tiếp là từ hành động xâm lược Việt Nam của chính giới Mỹ, chứ không phải xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc Việt Nam.

Trong giai đoạn từ 1945 đến 1975, Đảng ta đã rất cố gắng, nỗ lực để tìm kiếm giải pháp hòa bình, hòa hợp, thống nhất đất nước, nhưng chính kẻ thù đã hiếu chiến gây ra hai cuộc chiến tranh, gây tổn hại cho cả hai bên. Đây là điều mà chính những nhà sử học, những chính khách của Pháp và Mỹ cũng đã thừa nhận, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, trong cuốn hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam đã nói: “Chúng tôi đã mắc sai lầm, sai lầm khủng khiếp vì đã gây ra cuộc chiến tranh”9.

Từ những thực tiễn trên cho thấy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định những luận điệu xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Phạm Trần và đồng bọn của y là sự đổi trắng thay đen trắng trợn, với ý đồ chính trị xấu xa là, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét