Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Phê phán Luật An ninh mạng của Việt Nam là đang tiếp tay cho cái xấu, cái ác

 

Việc Quốc hội Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên không gian mạng. Ấy vậy mà các lực lượng phản động lại ra sức xuyên tạc, vu cáo rằng Luật An ninh mạng quá khắt khe, nội dung của luật là vi phạm nhân quyền… Trong bài “Chủ quyền không gian mạng đang bị người cộng sản độc quyền”, với lối suy nghĩ lệch lạc, Hoài Nguyễn cố tình vu cáo Luật An ninh mạng của Việt Nam “là quá khắt khe”, “hạn chế quyền con người”, do đó “không cần tới Luật An ninh mạng”… Đây là những luận điệu sai trái hòng cản trở quá trình thực hiện Luật, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ nhất, sự ra đời của Luật An ninh mạng là rất cần thiết.

Những năm gần đây, khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang phát triển mạnh mẽ, không gian mạng trở thành bộ phận không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Ở Việt Nam, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần to lớn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc bảo đảm an ninh mạng phục vụ cho quá trình phát triển đất nước và bảo đảm lợi ích chính đáng cho các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, cần phải có luật để bảo đảm cơ sở pháp lý, xử lý những vi phạm. Bên cạnh đó, các đối tượng xấu, lợi dụng internet, mạng xã hội để phát tán thông tin thất thiệt nhằm mục đích câu view, câu like, hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khủng bố tinh thần, tổ chức đánh bạc phi pháp, hoặc tụ tập những phần tử bất hảo để làm việc phi pháp (vụ các đối tượng trong nhóm “những người vỡ nợ muốn làm liều” tụ tập cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh và đã bị bắt ngày 27/10/2023 là một trong những ví dụ điển hình)… Nguy hiểm hơn là các thế lực thù địch, phản động sử dụng internet, mạng xã hội để lôi kéo, mua chuộc, kích động người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây rối làm mất trật tự an toàn xã hội, mất ổn định chính trị nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thực tế, thời gian qua, mỗi năm hệ thống thông tin nước ta phải hứng chịu hàng chục nghìn cuộc tấn công, thiệt hại lên đến gần 1 tỷ USD. Không gian mạng trở thành nơi “trù ẩn” của tội phạm và vi phạm pháp luật; tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan…

Việc ban hành Luật An ninh mạng đã tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng, chống tấn công mạng. Sau hơn 4 năm thực hiện Luật An ninh mạng công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với hệ thống mạng thông tin trọng yếu của quốc gia; đấu tranh có hiệu quả với vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng. Bảo vệ uy tín và vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng. Như vậy, sự ra đời của Luật An ninh mạng là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chứ không phải “không cần thiết” như sự xảo biện của Hoài Nguyễn.

Thứ hai, nội dung của Luật An ninh mạng không phải quá khắt khe.

Nội dung của Luật An ninh mạng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm theo từng nhóm, lĩnh vực cụ thể, bao gồm các hành vi sử dụng không gian mạng chống phá Nhà nước; tung tin, tuyên truyền, hoang báo thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, làm nhục, vu khống gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, gây mất ổn định về an ninh, trật tự; đưa ra những thông tin sai trái trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ…; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng, chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Thế nhưng Hoài Nguyễn lại cố tình vu cáo, xuyên tạc rằng Luật An ninh mạng Việt Nam là “quá khắt khe”, “hạn chế các quyền con người”… Đây là luận điêu hết sức sai trái. Bởi Luật được ban hành như “tấm khiên” pháp lý cần thiết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên không gian mạng. Luật An ninh mạng đã quy định rõ chỉ khi có xảy ra tội phạm hay cần điều tra hoạt động vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng mới có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về tội phạm đó. Nên, nếu cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm pháp luật, thì không cần lo việc bị cơ quan chức năng kiểm soát thông tin của mình trên mạng internet. Các quyền con người được quy định trong Hiến pháp và các luật khác đều không bị hạn chế. Như vậy, mọi công dân có thể tự do sử dụng mạng xã hội và bày tỏ quan điểm cá nhân trên không gian mạng nếu không vi phạm vào các điều cấm của pháp luật.

Sự ra đời của Luật An ninh mạng là cần thiết, phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thực tiễn trên thế giới. Luật đã đi vào cuộc sống được hơn 4 năm và đạt được những kết quả tích cực, được đông đảo nhân dân và cộng đồng quốc tế đồng tình, ủng hộ. Do vậy, những kẻ e ngại và phản đối Luật này là đang vi phạm pháp luật hoặc cố tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cần phải cảnh giác và đấu tranh loại bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét