Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

VAI TRÒ CỦA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI SINH VIÊN VIỆT NAM

 

Lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thói hư tật xấu, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên; nhằm cung cấp hệ thống tri thức, lý luận khoa học và quan điểm, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và mục tiêu, lý tưởng cho các lực lượng cách mạng. Song, với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu nhằm phê phán, bác bỏ, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa xã hội và vai trò của việc học tập lý luận chính trị. Mới đây, trên trang “doithoaionline”, đối tượng Phạm Trần đã đăng tải nội dung “Sinh viên, đảng viên chán Mác – Ngán Bác”, trong đó đã bóp méo, xuyên tạc vai trò của việc học tập lý luận chính trị; cho rằng giới trẻ đã “thờ ơ với sinh hoạt đảng và không muốn học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”… Bài viết trên là hoàn toàn sai trái về lý luận và thực tiễn, để có cái nhìn đúng đắn về học tập lý luận chính trị ở Việt Nam, đòi hỏi cần làm rõ sự thật và đấu tranh phản bác kịp thời.

Trước hết có thể khẳng định rằng, học tập lý luận chính trị không chỉ giúp cho sinh viên có khả năng nhận thức và tham gia cải tạo thế giới bằng việc hình thành tư duy khoa học, thái độ tích cực trong hoạt động thực tiễn, mà còn giúp người học có kỹ năng vận dụng những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nhận thức là một quá trình có tính hướng đích, là yếu tố cơ bản quy định nhu cầu học tập lý luận chính trị của sinh viên. Ở Việt Nam, trong nhiều báo cáo, đánh giá của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội, trong các đề tài khoa học và đại đa số sinh viên khi được trao đổi, phỏng vấn họ đều cho rằng các học phần lý luận chính trị góp phần hình thành thế giới quan khoa học, hình thành niền tin, bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị; họ cho rằng kiến thức lý luận chính trị góp phần xây dựng lòng yêu nghề và khát vọng cống hiến; hình thành lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua đó nói lên nhận thức của sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị trong nhà trường. Đó là nhận thức đúng đắn và điều này có được là do công tác tuyên truyền, giáo dục ở trong các nhà trường đại học và xã hội.

Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một bộ phận sinh viên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước, quốc tế; thậm chí có những sinh viên giảm sút niềm tin, mơ hồ, thiếu hoài bão, không tích cực tham gia các phòng trào và hoạt động xã hội. Hơn nữa, xã hội lại đang có nhiều sự việc gây tác động xấu như: Các vụ trọng án liên quan đến tham nhũng, tệ nạn xã hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Điều này đã tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, kích động, gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, làm cho sinh viên hoang mang, lệch chuẩn.

Nhìn nhận đánh giá một cách khách quan ở Việt Nam cả xưa và nay, sinh viên là lực lượng đông đảo trong xã hội, được kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc, được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, kỳ vọng, là tương lai của đất nước. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta là giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Việc này khác với giáo dục kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục lý tưởng cách mạng là hình thành nền tảng tinh thần dân tộc, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng trong thế giới nội tâm của thế hệ trẻ, được khai mở từ học sinh phổ thông, được định hình tiếp tục ở lứa tuổi sinh viên.

Trọng tâm công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ và sinh viên là những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những nội dung này trang bị cho đoàn viên, thanh niên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, căn bản, nền tảng, để có thể luận giải những vấn đề thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở đó giúp thanh niên hiểu rõ hơn, đầy đủ và chính xác hơn vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng trong xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững lập trường trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ để phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác, sẵn sàng cống hiến. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là sự định hướng của Đảng có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ nói chung, sinh viên nói riêng. Thông qua học tập lý luận chính trị giúp cho sinh viên nhận thức được rằng chính họ là chủ nhân tương lai của đất nước, có tư duy khoa học về thế giới khách quan, biết sống, học tập, lao động cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 7 năm 1956: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân… Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.

Vì vậy, những quan điểm của các thế lực thù địch, phản động, xuyên tạc vai trò của học tập lý luận chính trị luôn nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Do đó, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét