Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

Sự kém hiểu biết về văn hóa của Trần Văn Giang

 

Hiện nay, khi bàn đến vấn đề văn hóa thì có hàng trăm khái niệm khác nhau về văn hóa. Nhưng tựu chung lại, nghĩa rộng nhất của văn hóa là toàn bộ tri thức, hiểu biết, quan niệm của nhân loại về thế giới khách quan (bao gồm tự nhiên, xã hội và con người). Theo nghĩa hẹp nhất, văn hóa là phong tục, hành vi, thói quen sinh hoạt của cá nhân con người và cộng đồng. Văn hóa là bản sắc “mẫu gen” gốc của dân tộc, là tiêu chí đặc thù phân biệt dân tộc này với các dân tộc khác. Vậy mà trong bài viết “Văn hóa là gì” của Trần Văn Giang đăng trên “bbctiengviet”, lại có những lời lẽ hồ đồ, bình luận thô tục về văn hóavà có thể khẳng định rằng Trần Văn Giang không hiểu gì về văn hóa.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã rèn đúc và kết tinh nên nhiều giá trị của văn hóa, con người Việt Nam, tạo nên bản sắc cộng đồng, quốc gia – dân tộc. Bản sắc đó là cái gốc của nền văn hóa, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Năm 1943 khi bàn về vấn đề văn hóa, Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan niệm văn hóa vừa cụ thể, vừa khái quát hết sức tinh tế: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá, văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khẳng định văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế – xã hội, đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI trên cơ sở kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đã khẳng định: Văn hóa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, bởi vì xét đến cùng phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế bền vững, xã hội bền vững và môi trường bền vững; phải hướng đến tăng trưởng cao về kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, phải hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa”, “còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi,… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”.

Do đó, văn hóa Việt Nam là một trong những nền văn đặc sắc và mang những nét độc đáo rất riêng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được, bao gồm các lĩnh vực, khía cạnh mang tính toàn diện, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu trình độ phát triển của một dân tộc, mà còn vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng là một trong những “lát cắt” quan trọng phản ánh văn hóa cộng đồng, quốc gia – dân tộc; phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, là cánh cửa mở ra mọi thế giới giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử được lưu giữ trên cơ sở có sự tiếp biến trong mỗi thế hệ và các giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù xã hội thay đổi, nhưng văn hóa – giao tiếp ứng xử luôn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó thể hiện triết lý sống, tư duy, hành động của một cộng đồng trong ứng xử và giải quyết những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, với xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và cũng không phải tất cả mọi người đều biết cách ứng xử có văn hóa, biết cách phát huy những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp mà ông cha để lại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ, đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh những ưu thế của không gian mạng và các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa được mở rộng trên phạm vi toàn cầu, thì mặt trái của nó là sự du nhập và tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm, lối sống “lai căng” bên ngoài; chứa đựng nhiều nguy cơ phá vỡ hoặc làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít người dân, nhất là giới trẻ đang bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai, buông thả, có dấu hiệu quay lưng với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự nhầm lẫn giữa cá tính và sự lập dị khiến cho họ luôn muốn thể hiện một cách cực đoan và kỳ quái bản thân mình. Mặt khác, cuộc sống dư giả về vật chất khiến một bộ phận giới trẻ có lối sống hưởng thụ, ích kỷ, đặt cái riêng trên cái chung, đặt lợi ích cá nhân trước lợi ích tập thể, chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng, sống không có lý tưởng. Các giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức trong mỗi gia đình, cũng như văn hóa ứng xử trong xã hội đang có biểu hiện xuống cấp trầm trọng và dường như, cách ứng xử thiếu văn hóa đang dần trở thành một căn bệnh có sức lây lan nhanh trong xã hội. Không khó để chúng ta bắt gặp những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, nhất là ở nơi công cộng thời gian qua.

Như vậy, nhận thức về văn hóa là cả một quá trình, trong quá trình đó, bản thân đời sống văn hóa có những đổi thay và phát triển, vì thế nhận thức về văn hóa cần theo kịp tình hình để sự hiểu biết ngày càng sâu sắc, thấu đáo hơn. Do đó, mọi người cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật, nhằm làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước ta hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét