Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới

 

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm nhận thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo khẳng định: Ý chí của nhân dân chính là thành trì vững chắc nhất để giữ nước. Nguyễn Trãi lấy tư tưởng “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” làm nền tảng để phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến thắng lợi vẻ vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trung thành vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc. Nền tảng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, sức mạnh ấy được tạo nên từ mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đó còn là sự đoàn kết trong Đảng, giữa các giai tầng xã hội, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là sự đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang đứng trước những thách thức mới. Lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc. Việc tập hợp nhân dân vào Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ở một số vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số… Để kịp thời khắc phục những tồn tại trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết xác định mục tiêu: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hiện thực hóa mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần chủ động tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập và quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung cốt lõi của Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Triển khai thực hiện Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời làm tốt một số nội dung biện pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc; về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, và nhân dân về củng cố, tăng cường và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh theo các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và giải quyết hài hoà lợi ích trong xã hội.

Bốn là, thực hiện tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo góp phần tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, động viên nhân dân tham gia tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương, đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Năm là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng cơ chế phù hợp để nhân dân tham gia ý kiến vào quá trình hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước, những vấn đề có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân. Các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước nêu cao tinh thần cầu thị, tiếp thu, trách nhiệm thông tin, giải trình của các cơ quan nhà nước đối với những kiến nghị, đề xuất của nhân dân theo quy định.

Cùng với triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương, nhân dân ta cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước những luận điệu vu khống, xuyên tạc của các phần tử cơ hội, phản động muốn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm làm cho đất nước ta, dân tộc ta suy yếu “từ bên trong”. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình hiện nay, chỉ có “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” mới tạo nên sức mạnh vô địch, giúp dân tộc ta, đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển toàn diện, bền vững./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét