Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

NHẬN ĐỊNH “HOANG TƯỞNG” CỦA ANH KHOA VỀ CHỈ THỊ 24-CT/TW

 

Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn phản động đã đồng loạt phát tán bài viết: Chỉ thị 24 nhắm vào “thế lực thù địch” ở Việt Nam của Anh Khoa. Nội dung bài viết xuyên tạc Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị Về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng (Chỉ thị số 24). Với góc nhìn thiển cận và mưu đồ chống phá rõ ràng, y đã chắp ghép nhiều nguồn thông tin vô căn cứ để đưa ra nhận định: Chỉ thị 24 “coi tất cả các hình thức hợp tác và thương mại quốc tế là mối đe dọa an ninh quốc gia”. Không chỉ vậy, y còn quy chụp, Chỉ thị này là sự “vi phạm nhân quyền” của Đảng, Nhà nước. Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc này, cần nhận thức sâu sắc một số vấn đề cơ bản sau:

Chỉ thị 24 về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong tình hình mới được ban hành là cần thiết. Những năm gần đây, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine; giữa lực lượng Hamas và Israel còn tiếp diễn và quyết liệt hơn. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định trong khu vực. Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia tạo cơ sở cho đất nước phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu tất yếu ở nước ta hiện nay. Nhiệm vụ này nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là vai trò của nhân dân; giữ nước từ thời bình, giữ nước phải giữ từ khi nước chưa lâm nguy; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân, làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu đó, Chỉ thị 24 được ban hành, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị với nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của đất nước – nhiệm vụ bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia. Nội dung chỉ thị là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối nhất quán về bảo đảm an ninh quốc gia của Đảng, trong bối cảnh tình hình mới. Chỉ thị này, một lần nữa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, luôn sẵn sàng, chủ động và xử lý tốt các tình huống an ninh xảy ra, không để bị động bất ngờ. Anh Khoa và những kẻ cơ hội, chống đối chắc hẳn không đủ nhận thức hoặc không muốn nhận ra điều hiển nhiên đó. Việc chúng ra sức xuyên tạc Chỉ thị 24 rõ ràng là “có tật giật mình”, nhằm gây tổn hại đến an ninh quốc gia, cản trở sự phát triển của đất nước và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.

Đối với các hình thức hợp tác và thương mại quốc tế, Việt Nam vẫn luôn coi trọng và mở rộng trên tinh thần “đa dạng hóa, đa phương hóa”, đôi bên cùng có lợi. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại song phương, đa phương với nhiều quốc gia, khu vực, định chế tài chính lớn. Đây là một trong những thành quả to lớn “có ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, nỗ lực của toàn dân. Thông qua các hình thức này Việt Nam đã tranh thủ thu hút được nguồn “ngoại lực” to lớn, quan trọng cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác quốc tế, Việt Nam vẫn luôn giữ nguyên tắc: các hình thức đầu tư, thương mại quốc tế không được phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, không gây ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam. Nguyên tắc này hoàn toàn khác với những gì Anh Khoa và những kẻ chống đối quy chụp: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta “coi tất cả các hình thức hợp tác và thương mại quốc tế là mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia là vấn đề căn cốt để thực hiện nhân quyền. Bảo đảm an ninh quốc gia ở Việt Nam có nội dung cốt lõi, trọng tâm là bảo đảm an ninh con người – bảo đảm cho mỗi công dân Việt Nam luôn an toàn, không bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật và sự áp bức; đồng thời được bảo vệ khi gặp những rủi ro bất thường trong cuộc sống. Điều đó được cụ thể hóa ở các lĩnh vực cơ bản: An ninh kinh tế là việc bảo đảm về việc làm và thu nhập cơ bản; an ninh lương thực là việc bảo đảm được nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm; an ninh sức khỏe là việc bảo đảm ở mức tối thiểu về phòng – chống dịch bệnh và chăm sóc y tế; an ninh môi trường là việc được bảo vệ trước thiên tai, tai họa do con người gây ra và sự ô nhiễm môi trường sống; an ninh cá nhân là việc được bảo vệ trước những hành vi tội phạm, bạo lực hoặc lạm dụng thể chất do bất kể chủ thể nào gây ra; an ninh cộng đồng là việc được duy trì các mối quan hệ và giá trị truyền thống của cộng đồng; an ninh chính trị là việc tôn trọng các quyền con người cơ bản, nhất là các quyền dân sự, chính trị.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng, trong đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Thành tựu của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong bảo đảm nhân quyền của Việt Nam đã được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đưa vào danh sách những nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới. Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước ước nhân quyền quốc tế chủ chốt như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị được ban hành sẽ tạo cơ sở quan trọng cho việc bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người, bảo đảm cho việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam một cách vững chắc. Những “lo ngại” của Anh Khoa và những kẻ cơ hội, chống đối về sự “vi phạm nhân quyền” của Chỉ thị 24 hoàn toàn không có căn cứ, nếu không muốn nói là một sự “hoang tưởng”!

Tóm lại, những luận điệu xuyên tạc của Anh Khoa không thể phủ nhận sự cần thiết, cấp bách và vị trí, ý nghĩa Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Có chăng, những luận điệu đó một lần nữa cho thấy bản chất cơ hội, phản động của Anh Khoa và giúp mỗi người dân Việt Nam nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét