Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ VỀ XÂY DỰNG Ý THỨC XÃ HỘI MỚI Ở VIỆT NAM

 

Ý thức xã hội là một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, mượn cớ “quan tâm”, “phản biện” nhiều kẻ cơ hội, thù địch đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân ta. Chúng thường xuyên tung những bài viết xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, đơn cử như bài viết “Đảng Cộng sản Việt Nam có ý thức xã hội gì ?” của đối tượng Phạm Trần đăng tại trên trang thongluan-rdp.org. Bài viết đã xuyên tạc, phủ nhận tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Chẳng hạn như: “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không thể cấu thành “ý thức xã hội mới” cho Việt Nam, chúng là xiềng xích kéo dân tộc và đất nước xuống tận đáy của tụt hậu và thua kém”… Phải khẳng định rằng, những kẻ ở bên kia bán cầu không ngừng tung ra những bài viết xuyên tạc về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam lại không có kiến thức cơ bản về chính trị, xã hội, đặc biệt là những kiến thức cơ bản về học thuyết Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với nhiều cách thức, các thế lực thù địch phủ nhận tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Chúng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lỗi thời, lạc hậu, chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, XX;  bảo thủ duy trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là trái với quy luật, không phù hợp với thời đại mới. Những luận điệu xuyên tạc đó cho thấy tính chất nguy hiểm trong âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Để hiểu rõ về bản chất của “ý thức xã hội” và “ý thức xã hội mới” ở Việt Nam, chúng ta cần nắm vững những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Ý thức xã hội nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội và ý thức xã hội không tự tồn tại cảm tính như các hình thức tồn tại của vật chất tự nhiên mà phải thông qua các hình thức văn hóa của xã hội. Thông thường có thể nhận biết nó qua ba hình thức cơ bản và phổ biến: 1) Các sinh hoạt tư tưởng mang tính học thuật như: sinh hoạt chính trị, pháp luật, khoa học… của cộng đồng xã hội; 2) Các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và xã hội như: sinh hoạt lễ hội truyền thống, tôn giáo, nghệ thuật…; 3) Các tập tục và nếp sống mang đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng người. Ngoài ra, ý thức xã hội với tư cách là “cái chung” thuộc đời sống tinh thần của cộng đồng xã hội còn biểu hiện trực tiếp qua nhận thức và nếp sống của mỗi cá nhân con người với tư cách là thành viên của nó. Trong trường hợp này, ý thức cá nhân tồn tại với tư cách là “cái riêng” trong đó có sự biểu hiện của “cái chung” là ý thức xã hội mà ít hay nhiều cá nhân đó đã tiếp nhận được từ sự giáo dục của xã hội.

Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới. Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, ý thức xã hội mới chính là tình cảm, tâm trạng, thói quen, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục, tập quán, ước muốn, khát vọng, niềm tin… của cộng đồng dân tộc Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng, vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội, những đổi thay của cuộc sống hằng ngày… Ý thức xã hội của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay còn là kết quả của quá trình củng cố và khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn, ý chí, khát vọng hùng cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…

Nhìn từ góc độ các hình thái ý thức xã hội, quá trình xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam cũng chính là việc gia tăng, bồi đắp, nâng cao ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức… cho người dân trong xã hội. Còn nhìn từ góc độ giai cấp – dân tộc, ý thức xã hội mới Việt Nam là ý thức cách mạng của giai cấp công nhân và cộng đồng dân tộc Việt Nam, hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ cũ, xây dựng xã hội mới. Đó là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phản ánh lợi ích của cộng đồng dân tộc; đồng thời, cũng là sự kế tục tư tưởng xã hội cao đẹp trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Không thể phủ nhận, tinh thần, tư tưởng, niềm tin, khát vọng là yếu tố quan trọng tạo nên ý chí, lòng quyết tâm, là tiền đề, cơ sở để có hành động thống nhất, mạnh mẽ, hiệu quả. Thực tế cho thấy, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chính khát vọng thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc, cùng niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ và con đường cách mạng đã trở thành nguồn lực tinh thần, kiến tạo sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới.

Thực tế, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại Việt Nam luôn nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ hệ tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Do đó, chúng ta phải luôn nắm vững những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của các thế lực thù địch, từ đó kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét