Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

KHÔNG THỂ BÔI NHỌ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là chiến thắng, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, của các nước Đông Dương và niềm tự hào của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Sáng 7/5/2024, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Thế nhưng, trên một số trang mạng xã hội phản động xuất hiện một số bài viết có nội dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của nhân dân Việt Nam. Những luận điệu tráo trở xuyên tạc lịch sử Việt Nam xuất hiện ở một số trang báo, trang mạng quen thuộc, như: Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel… Các thế lực thù địch tiếp tục đưa ra thông tin, luận điệu sai trái, cố tình, bóp méo, phủ nhận sự thật về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Cụ thể, trên trang “Baoquocdan” Hoàng Thanh Trúc có bài đăng với những lập luận hết sức phi lý và vô căn cứ, viện dẫn những sự kiện lịch sử của các nước khác để nói về chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam và cho rằng “…có nhất thiết phải cần tới một trận Điện Biên Phủ đầy xương máu của nhân dân Việt Nam mới có được độc lập?”, hay “…vì sao Việt Nam phải hao tốn xương máu mới có độc lập, còn Miên, Lào lấy lại độc lập thì người dân của họ không tốn máu xương như Việt Nam?”. Đây là những luận điệu hết sức mơ hồ và mang tính phản động, đang cố gắng định hướng dư luận về những hy sinh, mất mát của dân tộc, của nhân dân ta theo chiều hướng những hy sinh, mất mát là vô nghĩa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng cả của nhân dân Lào và Campuchia đã liên minh chiến đấu chống lại kẻ thù chung để giải phóng dân tộc. Chiến thắng này đã dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ 1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong thời gian ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp để giành hoà bình, bằng việc đàm phán với thực dân Pháp mà cả thế giới đều biết. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa với việc đưa hàng chục vạn binh lính cùng hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất lúc bấy giờ, trút bom đạn lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội.

Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Chúng ta đã huy động 55.000 quân để tham gia lực lượng chiến đấu, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động. Hàng vạn thanh niên xung phong cũng được huy động làm nhiệm vụ mở đường. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ với trận đánh tại đồi Him Lam. Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta đã kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù, nâng cao được uy lực, chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất.

56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, kiên cường, khoét núi, ngủ hầm, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vượt mọi khó khăn, thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, 3 cột mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến thắng mùa Xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ trong giữa thế kỷ XX, là lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng này chứng minh chân lý của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không những là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được coi như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, mà còn là tiền đề cho những “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đại thắng mùa Xuân năm 1975, để đất nước hòa bình, thống nhất.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần và khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ vận dụng vào thực tế công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương. Tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, trong đó có Hoàng Thanh Trúc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là hoàn toàn vô căn cứ, không chính xác, cần đấu tranh, bác bỏ. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi âm vang, là động lực và tạo sức mạnh tổng hợp “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét