Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 27-7

 

Vừa qua trên trang “Baotiengdan”, Gió Bấc đã có bài xuyên tạc ngày thương binh liệt sĩ 27-7, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạnh, nhằm kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… một thủ đoạn đê tiện của các thế lực thù địch.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm sâu sắc để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thế nhưng, thay vì đồng lòng, ủng hộ các hoạt động thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc những năm gần đây, đâu đó vẫn có tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc về chính sách thương binh, liệt sĩ, phủ nhận sự hy sinh đóng góp của họ.

Thâm độc hơn, chúng còn đánh đồng người hy sinh, cống hiến vì cách mạng với người ngã xuống trong chiến tranh mà không tham gia, cống hiến gì, thậm chí là kẻ cam tâm làm tay sai cho thực dân đế quốc, phản bội Tổ quốc; đồng thời, gây ra những hành động để hạ thấp, phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của người có công. Chúng cho rằng đất nước được giải phóng là do công sức của toàn dân tộc chứ không riêng gì thương binh, liệt sĩ.

Lợi dụng những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công ở một số địa phương, chúng viết bài, đưa thông tin, hình ảnh… trên mạng xã hội, trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị, “đổi trắng, thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công. Mục đích của chúng tập trung vào chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Từ trước cho đến nay Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến Thương binh – liệt sĩ, người có công, gia đình chính sách.Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Trước lúc đi xa, Người cũng không quên căn dặn trong Di chúc thiêng liêng rằng: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân; hiện nay chúng ta đang thực hiện phong trào: “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; với truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”.

Trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện tốt chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.

Trước những dã tâm đen tối, thủ đoạn đê hèn, tàn độc của số cá nhân cực đoan, những tổ chức phản động phủ nhận công lao, sự hy sinh xương máu của các anh hùng thương binh, liệt sĩ. Là công dân Việt Nam và ai trong mỗi chúng ta cần thẳng thắn lên án, vạch trần, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước ta trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu, biết ơn và trân trọng những đóng góp hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc về chính sách người có công với cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét