Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

PHẢI CHĂNG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NGÀY NAY ĐÃ THAY ĐỔI BẢN CHẤT?

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, xã hội loài người đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo và kết nối vạn vật. Lợi dụng vấn đề này, một số phần tử lớn tiếng rêu rao rằng: chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất nhờ việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, trong phương thức sản xuất tư bản ngày nay không còn hiện tượng người bóc lột người, xã hội tư bản là xã hội tiến bộ nhất trong lịch sự nhân loại mà loài người cần hướng đến.

Thực ra, những giọng điệu tuyên truyền đó vẫn không có gì mới và xa lạ đối với chúng ta. Về bản chất chúng vẫn theo những lỗi mòn cũ muốn phủ định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa Mác-Lênin, và tạo cảm giác mở hồ cho những người cộng sản trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng.
Nhìn nhận về vấn đề này, Đảng ta khi bàn về chủ nghĩa tư bản ngày nay, đã khẳng định “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”[1] Những nhận định trên của Đảng ta được dựa một nền tảng vững chắc là chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn phát triển của chủ nghĩa tư bản để Đảng đưa ra những đánh giá hết sức khoa học về chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn hiện nay.
Các nhà kinh điển C.Mác và Ăng ghen khi phân tích về chủ nghĩa tư bản đã chỉ ra: từ khi mới ra đời, chủ nghĩa tư bản đã cho con người thấy tính ưu việt của nó. Theo C.Mác, Ăng ghen, đó là một bước tiến vĩ đại về phía trước trên những con đường phát triển của xã hội loài người. Nhưng chủ nghĩa tư bản không phải là hình thái xã hội vĩnh hằng, khi nó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất và xã hội hóa thì sẽ bị hình thái xã hội thích ứng được với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất mới thay thế. Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác-Ph.Ăngghen, nghiên cứu CNTB từ giai đoạn cạnh tranh tự do chuyển sang giai đoạn độc quyền, Lênin đã chỉ ra bản chất kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Trên cơ sở nghiên cứu chủ nghĩa tư bản độc quyền, Lênin còn khẳng định sự phát triển của chủ nghĩa tư bản độc quyền tất yếu sẽ dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Theo cách nói của Lênin, hiện nay trong chủ nghĩa tư bản khuynh hướng “phát triển vô cùng nhanh” nổi trội hơn so với khuynh hướng ngừng trệ, thối nát vốn có của nó. Lênin cũng chỉ ra, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vẫn còn nhiều tiền năng phát triển, song đó là sự phát triển trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản và tiềm năng phát triển đó không phải là vô hạn[2]. Càng phát triển, mâu thuẫn càng sâu sắc phức tạp.
Trải qua quá trình phát triển, chủ nghĩa tư bản ngày nay đã có những bước phát triển mới. Phương thức sản xuất này vẫn tỏ ra vẫn còn sức sống nhất định, mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản hiện không quyết liệt đến mức dẫn tới tình thế cách mạng. Bên cạnh đó, chúng ta thật sự “chưa đánh giá hết khả năng co giãn của cơ cấu kinh tế tư bản chủ nghĩa, cũng như tính linh hoạt của những người kinh doanh tư bản biết di động, tiến thoái, đồng thời vẫn còn giữ được vị trí của họ”[3]. Thấy rõ được những sự biến đổi mới của chủ nghĩa tư bản, Đảng ta đã nhận định “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển”. Vậy phải chăng những biến đổi mới, những biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với việc quay trở lại thời kỳ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đang phù hợp với lực lượng sản xuất hiện đại? Câu hỏi này đụng đến một vấn đề lý luận khá phức tạp: mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất dưới tư bản chủ nghĩa mang tính đặc thù, khác với mâu thuẫn này trong các phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản. Nếu như dưới các chế độ trước chủ nghĩa tư bản, một khi quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất thì nó “ kìm hãm” sự phát triển của lực lượng sản xuất. Mặc dù không thuận lợi song lực lượng sản xuất mới với công nghệ mới vẫn ra đời trong lòng xã hội phong kiến nhưng chỉ phát triển đột biến, bùng nổ sau khi nó phá tan quan hệ sản xuất cũ và kiến trúc thượng tầng cũ. Dưới chủ nghĩa tư bản, khi đã mâu thuẫn với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất vẫn có thời kỳ phát triển bùng nổ, mặc dù phát triển xen kẽ với khủng hoảng, trì trệ, phát triển dẫn đến những hậu quả kinh tế- xã hội chống lại bản thân sự phát triển như phân hóa giàu nghèo, phá hoại môi trường sinh thái…Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa có tính linh hoạt cao hơn nhiều so với các quan hệ sản xuất trước đó. Đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất. Trái lại đối với tất cả giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tồn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả các quan hệ xã hội…làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước”[4]. Vì vậy, ngay khi đã mâu thuẫn sâu sắc với lực lượng sản xuất nó vẫn chưa hết khả năng tự “ co dãn”, tự điều chỉnh để thích nghi với lực lượng sản xuất mới, qua đó thúc đẩy lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển trong thời kỳ nhất định.
Tuy nhiên, cho dù có điều chỉnh như thế nào đi nữa, cho dù có khoác trên mình những “tấm áo choàng lông lẫy” như thế nào đi nữa thì bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi, đúng nhưng nhận định của Đảng ta “về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”. Sự áp bức, bất công đó thông qua sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Sự thống trị đó không chỉ đóng khung trong từng quốc gia, dân tộc mà được quốc tế hóa hơn bao giờ hết. Sự áp bức bóc lột được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng mang tính chất tinh vi hơn trước; hình thức bóc lột cũng luôn có sự thay đổi dựa trên việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Sự bóc lột vượt khỏi biên giới quốc gia và được triển khai trên phạm vi quốc tế thông qua nhiều hình thức
Dù có điểu chỉnh thích nghi nhưng chủ nghĩa tư bản ngày này vẫn không thể vượt qua khỏi mâu thuẫn vốn có của nó. Những mâu thuẫn đó bản thân nó không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ, trật tự tư bản chủ nghĩa, đó chính là “mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa”, mà theo đánh giá của Đảng ta “Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc”[5]. Mâu thuẫn đó được biểu biện cụ thể ra là mâu thuẫn giữa sản xuất có khả năng vô hạn và tiêu dùng có khả năng thanh toán bị hạn chế, giữa tư bản và người lao động làm thuê, giữa tư bản và tư bản, trong một nước và trên phạm vi quốc tế, giữa các nước tư bản với nhau, giữa các nước tư bản với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, các mâu thuẫn mới cũng ngày càng thể hiện rõ nét đó là mâu thuẫn giữa sức sản xuất có khả năng phát triển vô hạn với sự giới hạn của các nguồn tài nguyên và môi trường, giữa nhu cầu nhất thể hóa và toàn cầu hóa với lợi ích của từng quốc gia và của toàn bộ công đồng các nước, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu khi chuyển đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế. Tính gay gắt của các mâu thuẫn hiện nay thể hiện nổi bật ở những giới hạn mà chủ nghĩa tư bản đang vấp phải trong cùng một lúc chưa từng thấy. Đó là, tài nguyên hạn chế trong khi lực lượng sản xuất có khả năng phát triển vô hạn; guồng máy sản xuất có khả năng mở rộng không ngừng trong khi khả năng thanh toán vẫn còn bị hạn chế; tốc độ tăng năng suất lao động và tăng trưởng nói chung không thể cao và vẫn còn nguy cơ thấp; bất bình đẳng xã hội gia tăng trên phạm vi quốc gia và quốc tế với nguy cơ ngày càng trầm trọng; khủng hoảng kinh tế và tính không ổn định trên nhiểu lĩnh vực; những mặt trái trên các lĩnh vực văn hóa, đạo đức chính trị, tình trạng bào lực, tội phạm, xung đột sắc tộc tôn giáo có nguy cơ phát triển trầm trọng, khó lường
Những giới hạn không thể vượt qua trên cho thấy, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn đang và sẽ tiếp tục phải đổi mặt với những nguy cơ của khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị thậm trí nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện mới có thể xuất hiện. Do vậy, Đảng ta nhận định “Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”[6]. Như vậy có thể thấy rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại trong khi chưa phát triển đến giai đoạn diệt vong gần kề nó đang tiếp tục tiến triển một cách khách quan đến một xã hội khác cao hơn, bất chấp ý nguyện chủ quan của bất cứ lực lượng xã hội nào và do đó trong lòng nó đang chín muồi dần không chỉ những tiền đề vật chất, kỹ thuật mà cả những mầm mống, những yếu tố nhiều mặt, những điều kiện ngày càng đầy đủ hơn cho sự ra xã hội mới sau chủ nghĩa tư bản.
                                                                                    Phúc Lê




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam “Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI”, Nxb CTQG, H- 2011, tr 68
[2] GS, TS Nguyễn Ngọc Long, “Chủ nghĩa Mác- Lênin vơi vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hộ hiện thực”. Nxb CTQG, H- 2009, tr 374
[3] http://www.vov.vn/ “Nhận thức về chủ nghĩa tư bản hiện đại” bài viết của GS, TS Vũ Văn Hiền
[4] C.Mác và Ăng ghen: Toàn tập, Nxb CTQG, H- 1994, T4, tr 600-601
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam “Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI”, Nxb CTQG, H- 2011, tr 68
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam “Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI”, Nxb CTQG, H- 2011, tr 68

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét