Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Công nghiệp hỗ trợ cần được tiếp sức từ cơ chế, chính sách

QĐND - Xu hướng đầu tư lớn của các doanh nghiệp (DN) FDI vào Việt Nam tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam phát triển. Tuy nhiên hiện nay, các DN CNHT của chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội này. Muốn nâng cao chất lượng của tăng trưởng kinh tế, rất cần có thêm những cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam.

Chưa tận dụng tốt cơ hội từ doanh nghiệp FDI
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, CNHT quyết định sức sống và mức độ tự chủ của ngành công nghiệp của một quốc gia. Song, ngành CNHT Việt Nam mới chỉ sản xuất được các chi tiết, linh kiện đơn giản với giá trị gia tăng thấp, DN chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, khi bắt đầu mở cửa thu hút các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam, ngành CNHT đã có cơ hội để phát triển. Nhưng chúng ta chưa xây dựng được chính sách thúc đẩy DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho DN FDI, cũng chưa có sự ràng buộc đủ mạnh để các DN FDI phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa, cho nên đã để vuột mất không ít cơ hội. Cùng với đó, các DN trong nước chưa quan tâm đúng mức trong việc sản xuất sản phẩm CNHT. Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng cho biết, theo số liệu ước tính, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam còn khá thấp. Đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa của ngành chế tạo ô tô chỉ khoảng 5-20%; của ngành điện tử là khoảng 5-10%; của ngành da giày là khoảng 30%; của ngành dệt may là khoảng 30%; của các ngành công nghệ cao khoảng 1-2%; của ngành cơ khí chế tạo khoảng 15-20%... Hiện mới có khoảng 0,3% số DN Việt Nam đang tham gia vào ngành CNHT. Việc thiếu các sản phẩm CNHT nội địa, dẫn tới mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu linh, phụ kiện trị giá hàng chục tỷ USD. Trong đó, riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô lên đến 30 tỷ USD. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Minh chứng cho nhận định này, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, tổng số nhà cung cấp của Canon trên toàn cầu là 378, trong đó có khoảng 170 nhà cung cấp Việt Nam tham gia, tuy nhiên mới chỉ dừng lại là những sản phẩm đơn giản, ít có hàm lượng kinh tế. Hằng năm, công ty phải chi ra một lượng tiền lớn để nhập khẩu các linh kiện, khuôn mẫu từ Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Bà Huyền cũng cho biết, Công ty TNHH Canon Việt Nam đang có 59 linh kiện cần tìm nhà cung cấp nội địa và thông tin này đã được đăng tải trên website của công ty đã khá lâu nhưng các DN CNHT của Việt Nam không thể đáp ứng được. "Khoảng cách giữa khả năng các DN cung ứng nội địa với các DN nước ngoài hiện nay là rất lớn về yêu cầu chất lượng, giá bán cũng như thời gian giao hàng. Nguyên nhân do các DN CNHT gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp"-bà Huyền nêu nguyên nhân. 
 Hoạt động sản xuất của Panasonic đã xuất hiện khá lâu ở thị trường Việt Nam, song ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Hợp đồng mua hàng, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, chia sẻ: Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của công ty cũng mới chỉ đạt 19% với các linh kiện đơn giản như bao bì, nút nhựa, sản phẩm trang trí,… còn những thiết bị đắt tiền, công ty phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc.
Cần có Luật Công nghiệp hỗ trợ
 Để ngành CNHT trong nước phát triển, đại diện một số DN đề xuất, về chính sách đất đai, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho các DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ được thuê lâu dài và ổn định theo luật định. Về chính sách tín dụng, Chính phủ cũng nên có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thông qua quỹ tín dụng ưu đãi CNHT. Đặc biệt, Nhà nước cần có chế tài và bộ phận chuyên trách giám sát quá trình thực hiện các cam kết của DN FDI trong việc hỗ trợ DN nội địa tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, và thực hiện chuyển giao công nghệ, tránh tình trạng các DN FDI chỉ cam kết nhưng hiệu quả thực hiện không cao.
Đại diện Tiểu ban CNHT, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, DN CNHT trong nước cần phải tiếp cận được nhiều hơn với các DN, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu phía DN đối tác cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, DN CNHT Việt Nam không nên quá tham vọng, không nên làm các sản phẩm gì quá phức tạp, nên đi từ dễ tới khó, từng bước một. 
Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại HIKARI Việt Nam, nêu quan điểm, để tìm được các cơ hội cho những DN CNHT, rất cần có những chương trình xúc tiến, kết nối giao thương thông qua sở, ban, ngành hoặc hiệp hội. Trong đó, các cơ quan thuộc chính quyền sẽ vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện kết nối này. Mục đích để tăng tính định hướng dài hạn cũng như việc bảo trợ. Còn theo ông Nguyễn Hoàng, Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ các DN có tiềm lực, có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tạo ra những hạt nhân trong từng ngành CNHT kéo theo các DN khác trong ngành. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Luật CNHT và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và có quỹ tài chính dành riêng cho các DN CNHT.
Nguồn: WWW.qdnd.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét