Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM CÓ PHẢI LÀ SỰ PHẢN BỘI CHỦ NGHĨA MÁC


Thời gian gần đây, nhất là sau khi Đảng ra nghị quyết số 12 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có một số người cho rằng việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam là sự phản bội chủ nghĩa Mác về xóa bỏ tư hữu. Vậy, thực chất quan điểm đó là gì? Liệu phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam có phải là từ bỏ lý luận của C.Mác về xóa bỏ tư hữu?
Trước hết phải nhận thấy rằng, thực chất của quan điểm này là nhằm xuyên tác, phủ nhận tính đúng đắn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – một thành quả to lớn của công cuộc đổi mới.
Thứ hai, phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là từ bỏ lý luận của C.Mác về xóa bỏ tư hữu. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta phải quay về lý luận gốc của C. Mác về điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Trong quyển 1 bộ Tư bản, Mác đã trình bày điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Theo đó, để sản xuất hàng hóa ra đời và tồn tại cần có 2 điều kiện, một là, phân công lao động xã hội và hai là, sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất. Theo tiến trình phát triển, dưới tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp, phân công lao động sẽ ngày càng phát triển ở trình độ cao hơn. Vấn đề còn lại là cần làm rõ điều kiện thứ hai của sản xuất hàng hóa để tránh sự lầm lẫn đáng tiếc. Xét về mặt lịch sử, sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa những người sản xuất hàng hóa bắt đầu từ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Sau đó, trong điều kiện của sản xuất lớn với sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng, thì sự tách biệt kinh tế giữa những người sản xuất, giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một chế độ sở hữu có tính tự chủ kinh doanh quy định. Do vậy, sẽ là sai lầm khi đồng nhất sở hữu tư nhân với sự độc lập tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất và coi đó là điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Và như vậy, chừng nào còn tồn tại sự độc lập tương đối về mặt kinh tế giữa các chủ thể sản xuất, chừng ấy vẫn còn tồn tại sản xuất hàng hóa. Vận vào điều kiện thực tiễn nước ta, đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp về trình độ kinh tế, lực lượng sản xuất ở nhiều trình độ khác nhau thì tất yếu phù hợp với trình độ ấy phải là hệ thống các quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Do đó, sự tồn tại của sản xuất hàng hóa là tất yếu khách quan. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự từ bỏ nguyên lý của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về xóa bỏ chế độ tư hữu, mà ngược lại, đó là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý nói trên vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển.
                                                 NĐL


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét