Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

TẤT YẾU ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

 

Mới đây, trong bài viết: “Loay hoay đi tìm thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa” của kẻ có bút danh Triệu Tử Long đăng trên Boxitvn đã đưa ra nhận định hàm hồ rằng: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang xây dựng là sự “lần mò”; “dò đá qua sông”; Việt Nam “không đi chung con đường cùng nhân loại”. Hiểu như vậy là “cảm tính”, chưa thấy hết bản chất, tính tất yếu của vấn đề, nên cần phải trao đổi và làm rõ, trên một số nội dung như sau:

Một là, thực chất đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường là để phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường, trong đó, có kinh tế tư nhân. Điều này được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế ở các kỳ Đại hội, như Đại hội XIII của Đảng xác định: thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao năng xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Như đã biết, kinh tế thị trường là sản phẩm chung của nhân loại, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận kinh tế thị trường cũng chứa đựng không ít những tiêu cực làm ảnh hưởng không nhỏ tới các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là việc thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, văn hóa, lối sống của con người Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Hai là, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề ở Việt Nam nên càng phải khám phá, thử nghiệm.  Đây là một quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đôi khi cũng có những thất bại. Bởi vậy, càng phải thận trọng, phải tiến hành từng khâu, từng bước và phải có sự tổng kết, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước như Đảng, Nhà nước Việt Nam đề ra. Kết quả qua 35 năm đổi mới đã chứng minh đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn. Có thể thấy rõ điều này thông qua mức độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua, đồng thời an ninh chính trị ổn định, đời sống của nhân dân được nâng lên, thuần phong mỹ tục được giữ vững, các lĩnh vực văn hóa, ngoại giao, quốc phòng… có nhiều bước phát triển mới.

Ba là, Việt Nam đang tích cực đi chung con đường phát triển vì tiến bộ của nhân loại chứ không phải là con đường biệt lập, con đường đó phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của lịch sử loài người và thực tiễn Việt Nam. Quả thực, hiện đã có nhiều quốc gia ngưỡng mộ sự thành công và đang học hỏi Việt Nam về cách làm hiệu quả trong xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có được điều đó vì Việt Nam kiên định với con đường đã chọn và làm tốt việc định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những vấn đề trên, cho thấy thấy định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vừa là một tất yếu, vừa được thực hiện một cách thận trọng, hiệu quả chứ không phải là sự “lần mòdò đá qua sông” như Triệu Tử Long đang rêu rao./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét