Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

VỀ VIỆC QUÂN ĐỘI THAM GIA SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN KINH TẾ

            Gần đây rộ lên dư luận về việc quân đội có “làm kinh tế” không?.

Từ trước tới nay và mãi mãi sau này, nhân dân ta luôn luôn đứng trước hai nhiệm vụ mang tính chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ mật thiết, mang tính biện chứng với nhau: Không thể phát triển đất nước nếu không giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ngược lại, sức mạnh kinh tế không đủ lớn thì cũng khó bề bảo vệ được vững chắc đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi không thể trông đợi sự trợ giúp từ bên ngoài như trong các cuộc kháng chiến trước đây. Nói một cách hình tượng thì “bảo vệ” và “xây dựng” như hai cánh cất thân hình con chim lên trời cao. Một cánh bị gãy thì con chim đó tất rơi xuống đất!

Chẳng thế mà Cương lĩnh của Đảng được bổ sung, phát triển năm 2011 nêu rõ chủ trương: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn”. Điều 65, Hiến pháp năm 2013 nói rõ: “Lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ… cùng toàn dân xây dựng đất nước” và Điều 68 đặt yêu cầu: “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng-an ninh”.

Như vậy, rõ ràng “bảo vệ” và “xây dựng” là nhiệm vụ “hai trong một”. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, từng địa bàn, từng công việc cụ thể, thứ tự ưu tiên có thể khác nhau. Trong thời chiến thì đương nhiên, nhiệm vụ bảo vệ là hàng đầu; trong thời bình, nhiệm vụ xây dựng lại là trọng tâm. Trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, đương nhiên quân đội đóng vai trò nòng cốt. Trong công cuộc phát triển kinh tế, các lực lượng dân sự gánh trách nhiệm chủ yếu. Như vậy có thể thấy, rất khó phân biệt rạch ròi: Ở đâu chỉ có quân, ở đâu chỉ có dân.

Trên thực tế thì ở nước nào quân đội cũng gánh vác một phần không nhỏ nhiệm vụ dân sự, trong đó có hoạt động sản xuất; chỉ có điều với mức độ, dưới hình thức và với phương cách khác nhau mà thôi. Một số người nói rằng, Trung Quốc đã chấm dứt cơ chế quân đội làm kinh tế. Theo cá nhân tôi biết thì nên tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện này chứ không đơn giản như vậy. Có người nói, quân đội thôi làm kinh tế đi, để Nhà nước lo cả cho! Nhà nước, thực ra là toàn dân, vẫn lo đấy chứ, nếu không thì lấy đâu ra tiền để nuôi quân, để trang bị cho quân đội? Nhưng lẽ nào với tiềm lực đáng kể về người, về trí tuệ, về trang thiết bị…, quân đội lại không tự lo phần nào cho bản thân mình và đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng đất nước? Đó là chưa kể hiện nay ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp, chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quốc phòng.

 

Trước khi nói về chủ đề quân đội trực tiếp làm kinh tế, rất nên nhớ tới sự đóng góp “gián tiếp” của lực lượng vũ trang với kinh tế. Không giữ vững được biên cương, môi trường an ninh thì làm sao phát triển được kinh tế? Và nữa, trong nhiều trường hợp, quân đội đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội bằng cách chia sẻ các khu vực quốc phòng cho các hoạt động dân sự. Khi còn làm việc, cá nhân tôi đã được hưởng thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm của quân đội trong việc “dân sự hóa” sân bay Nội Bài, một phần bán đảo Cam Ranh, trong đó có sân bay, rồi bán đảo Sơn Trà.

Vậy quân đội trực tiếp phát triển kinh tế nên nhằm mục tiêu gì? Có lẽ đó là 4 mục tiêu chủ yếu: Một là củng cố bản thân tiềm lực quốc phòng; hai là góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia; ba là củng cố vị thế độc lập, tự chủ của đất nước về công nghiệp quốc phòng, trong trang bị vũ khí, khí tài; bốn là tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua sự hợp tác với bên ngoài.

Trong sự nghiệp quân đội làm kinh tế, nên chăng quan tâm tới một số quan điểm hay phương châm chỉ đạo sau:

Một là, dù sao đi nữa thì chăm lo bảo vệ đất nước phải là “gen trội”, làm kinh tế là “gen phụ”, nghĩa là bất luận thế nào cũng không để việc làm kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực chiến đấu.

Hai là, gánh vác những việc mà theo quy định của luật pháp các doanh nghiệp dân sự không được làm.

Ba là, thực hiện những nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (và cả văn hóa-xã hội) ở những vùng biên cương, hải đảo mà ngay các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể và không muốn làm.

Bốn là, trong “làm kinh tế", chú trọng sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động kinh doanh đơn thuần.

Năm là, tuân thủ luật pháp của Nhà nước về kinh tế, chú trọng hiệu quả, trừ những trường hợp phải đặt lên hàng đầu yêu cầu chính trị, an ninh, xã hội. Trong hoạt động kinh tế đơn thuần, bảo đảm sự bình đẳng, sự minh bạch, cạnh tranh ngang ngửa với các thành phần kinh tế khác. Trong các hoạt động đặc thù, cần đề nghị Nhà nước dành cho những cơ chế thích hợp.

Sáu là, trong kinh tế thị trường không tránh khỏi những biểu hiện tiêu cực. Ta thấy điều đó trong mọi thành phần kinh tế, kể cả trong các đơn vị quân đội làm kinh tế. Việc dư luận có phần khắt khe với những biểu hiện tiêu cực trong quân đội là điều đáng mừng. Nó chứng tỏ nhân dân ta rất tin yêu quân đội, không chấp nhận bất cứ tỳ vết gì ảnh hưởng tới thanh danh Quân đội nhân dân. Do đó, trong làm kinh tế, quân đội cần giữ vững "kỷ luật sắt" vốn có của mình, đấu tranh mạnh mẽ hơn với những biểu hiện tiêu cực, suy thoái làm ô danh “Bộ đội Cụ Hồ”, gây phân hóa trong đội ngũ, ảnh hưởng tới sức mạnh quốc phòng.

Liên quan đến các phương thức làm kinh tế, có thể hình dung tới mấy dạng như: Các doanh nghiệp thuần túy quốc phòng, chủ yếu liên quan tới sản xuất khí tài, quân dụng. Các doanh nghiệp lưỡng dụng. Ngay loại doanh nghiệp thuần túy quốc phòng cũng nên hoạt động theo nguyên tắc lưỡng dụng, liên thông giữa quân sự và dân sự để tận dụng và vận dụng thành tựu của nhau, nâng cao chất lượng của cả công nghiệp quốc phòng lẫn dân sự. Tận dụng năng lực dư thừa hoặc chưa dùng hết của quân đội trong thời bình để làm kinh tế theo tinh thần cạnh tranh bình đẳng với các thành phần khác. Những việc đặc thù của quốc phòng hay để bảo đảm bí mật quân sự thì cần duy trì lực lượng riêng của quân đội để thực hiện. Những việc sản xuất, kinh doanh thuần túy khác có thể đặt hàng, đấu thầu cho các doanh nghiệp bên ngoài tham gia.

Một nhiệm vụ rất quan trọng là tạo sự đồng thuận, sự nhận thức thống nhất trong xã hội về công việc hệ trọng này. Có lẽ nên xây dựng và ban hành một văn bản ở cấp cao, ví dụ của Bộ Chính trị về chủ đề này để tiến hành công tác tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, tạo sức mạnh tinh thần nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quân đội làm kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét