Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU SUY DIỄN CỦA PHẠM TRẦN VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở VIỆT NAM

 

Ở Việt Nam, tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp. Cuộc đấu tranh này luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động cũng lợi dụng việc này cố tình suy diễn, xuyên tạc để chống phá. Phạm Trần trong bài viết “Cá nhân chủ nghĩa bùng nổ ở Việt Nam” đã cắt xén các trích dẫn về những nhận định, đánh giá của các bài nói, viết đăng tải trên các tạp chí, báo chính thống rồi suy diễn, xuyên tạc tình hình đất nước nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng ở nước ta.

Trong bài viết, y trích dẫn những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa cá nhân cùng với những căn bệnh phát sinh từ chủ nghĩa cá nhân rồi suy diễn, quy chụp cho rằng: đó là “căn bệnh di căn của Đảng Cộng sản Việt Nam”, vì “đảng đã đặt quyền lợi của mình trên quyền lợi của đất nước nên đã độc tài, độc quyền cai trị, cướp đi quyền làm chủ đất nước của dân”. Đảng viên “tuy nói là đầy tớ trung thành của dân mà hành động thì bóc lột, hà khắc với dân. Là ông chủ của dân” hay “một lớp người có chức, có quyền, nhưng chỉ biết ăn trên ngồi trước, mưu tìm lợi danh, bổng lộc đề đè đầu, bóp cổ dân”. Y cũng trích dẫn thực trạng tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong các nghị quyết, các bài viết của Tạp chí Cộng sản, Tuyên giáo, Xây dựng Đảng, Báo Quân đội nhân dân… rồi quy chụp vô căn cứ với những từ ngữ định kiến, hằn học như “mánh mung”, “mưu chước”, cho rằng “Quân đội tự diễn biến”, “Công an cũng rung rinh”. Phạm Trần còn cho rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã “hoàn toàn thất bại”. Đây là luận điệu suy diễn thiếu khách quan của y và đồng bọn, không chỉ xuyên tạc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân mà còn phủ nhận nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Như chúng ta đã biết, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng chỉ có một mục đích: xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, phát triển, phồn vinh, sánh vai với các nước trên thế giới; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người Việt Nam chỉ thừa nhận một Đảng cầm quyền lãnh đạo đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, trong đó có lực lượng vũ trang luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, hết lòng, hết sức phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng ta cũng công khai, không giấu diếm sai lầm, khuyết điểm như Bác Hồ đã khẳng định: một Đảng mà che giấu khuyết điểm là một đảng hỏng. Việc Đảng ta công khai những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân còn là cơ sở để cán bộ, đảng viên biết phải làm gì và không được làm gì, để nhân dân nhận biết thực hiện việc kiểm tra, giám sát đảng viên, góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh, có nhiều điểm đột phá. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”.

Theo số liệu do Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) công bố, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng lên. Năm 2018, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu. Năm 2019, nước ta đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 21 bậc so với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá đối với Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay; cũng là sự khẳng định những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Như vậy, luận điệu mà Phạm Trần và đồng bọn đưa ra về thực trạng tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam chỉ là sự suy diễn vô căn cứ, sự lừa bịp mà thôi. Vì vậy, mỗi người cần nêu cao cảnh giác, vạch trần, lên án, đấu tranh bác bỏ mọi hành động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét