Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

 

Thứ nhất, trong xây dựng Cương lĩnh, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Kể từ khi thành lập, đặc biệt là trong những năm đổi mới, những quyết định lớn, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, từ dự thảo Cương lĩnh đến dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng đều được tổ chức thảo luận dân chủ rộng rãi, lấy ý kiến của các tổ chức đảng, đảng viên và của cả hệ thống chính trị. Nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó quy định rõ việc trước khi ban hành và trong quá trình thực thi các chủ trương, chính sách đều được lấy ý kiến giám sát và phản biện. Đối với những vấn đề lớn, nhạy cảm đều được xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp… Đặc biệt, từ sau Đại hội VIII, Đảng ta đã thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương  - có chức năng tư vấn lý luận chính trị, mở rộng dân chủ trong hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

Thứ hai, trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Từ sau Đại hội IX của Đảng, chế độ thực hành dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường các hình thức giao ban, hội nghị, tọa đàm, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên và Nhân dân. Đảng ta đã ban hành nhiều quy chế, quy định, hướng dẫn thực hiện việc phê bình, chất vấn tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoặc trong thời gian giữa hai kỳ họp, cụ thể: Quy định số 23-QĐ/TW, ngày 15/01/2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về thực hiện việc phê bình, chất vấn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy chế chất vấn trong Đảng, ban hành kèm theo Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12/5/2008, của Bộ Chính trị khóa X; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 8/6/2012, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về thực hiện việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp”. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã ban hành Quyết định số 168-QĐ/TW, ngày 28/12/2018 về việc ban hành Quy chế làm mẫu của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh phải: “phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.

Thứ ba, trong công tác cán bộ, nhất là lựa chọn đảng viên để giới thiệu ứng cử, bầu vào các chức danh lãnh đạo. Để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ như: Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 24- KL/TW, ngày 15/12/2017 về nguyên tắc điều động, phân công bố trí công tác đối với cán bộ diện Trung ương quản lý; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/2/2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền… Đặc biệt, để chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó xác định rõ quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự với những quy trình dân chủ, chặt chẽ, phát huy trí tuệ và sự đồng thuận của tập thể.

Những nội dung nêu trên là minh chứng rõ nét để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của Đài Á Châu tự do cũng như các thế lực thù địch, phản động; mỗi người dân chúng ta cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của chúng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét