Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI CỦA HOÀNG MAI

 

Mới đây, trên trang “Bureau CTM media- Âu Châu” đăng tải bài viết với tiêu đề “Pháp trị của Tổng Bí thư” của Hoàng Mai, trong đó đã xuyên tạc, bóp méo đánh đồng lẫn lộn giữa pháp trị và pháp luật trong nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của luận điệu sai trái này là công kích vào bản chất, vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN là một trong những mũi nhọn mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tập trung chống phá trong suốt quá trình cách mạng, xây dựng, hoàn thiện nhà nước XHCN Việt Nam. Hoàng Mai đã đưa ra quan điểm phiến diện, sai lầm, lệch lạc, không đúng sự thật, nào là Tổng bí thư đang muốn tìm hướng đi khác trong cách hiểu pháp trị trong nhà nước pháp quyền; sự thiếu nhất quán, lung túng trong điều hành chính sách của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; luật pháp không phải là chuyện củi tươi hay khô; đảng viên đông số lượng nhưng phẩm chất phần lớn là củi.v.v.

Không riêng gì Hoàng Mai, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền một số bài viết có tư tưởng thù địch, chống đối, quy chụp một cách sống sượng rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta hiện nay thực chất là đang xây dựng chế độ “pháp trị”. Chế độ “pháp trị” muốn nói và ám chỉ ở đây chính là sự cai trị của pháp luật. Tuy nhiên, lập luận “pháp trị” là sự cai trị của pháp luật như vậy là vô căn cứ, không đúng sự thật, bởi lẽ pháp luật chỉ là các quy tắc xử sự nên bản thân pháp luật không có các thiết chế để thật sự buộc mọi chủ thể phải tuân theo. Vì vậy, nếu không có một thiết chế để đưa pháp luật vào trong cuộc sống thì pháp luật ấy cho dù đẹp đến mấy, hay đến mấy cũng chỉ là thứ ánh sáng hào quang trong óc tưởng tượng của con người.

 Pháp luật tự thân nó không phải là chủ thể cai trị xã hội mà nó phải được một chủ thể sử dụng quyền lực ban hành, thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của chủ thể sử dụng quyền lực ấy – Nhà nước. Nghĩa là, pháp luật không phải là một chủ thể cai trị, chỉ có nhà nước mới thật sự là một chủ thể để thực hiện quyền cai trị. Vấn đề đặt ra, nhà nước ấy sử dụng pháp luật như thế nào? Xem pháp luật là phương tiện hay mục đích hướng tới, nhà nước đặt dưới sự điều chỉnh của pháp luật hay nhà nước đứng trên pháp luật…

Mục đích của pháp luật trong chế độ “pháp trị” chính là bảo vệ và củng cố địa vị của nhà nước (đại diện cho giai cấp, tập đoàn thống trị, thậm chí là nhà vua), là thứ công cụ hữu hiệu để cai trị nhân dân; nội dung của pháp luật gắn liền với sự hà khắc và áp đặt lên dân chúng. Pháp luật trong chế độ pháp trị có tính chất như là thứ phương tiện hữu hiệu để nhà nước thực hiện chức năng cai trị của mình. Nhà nước sử dụng pháp luật  để áp đặt ý chí của nhà nước (của giai cấp, tập đoàn thống trị) lên toàn xã hội. Lúc này pháp luật chỉ đóng vai trò là công cụ để duy trì và củng cố quyền lực của kẻ tạo ra nó. Vì vậy, Nhà nước – chủ thể ban hành pháp luật sẽ được đặt lên trên và đứng trên pháp luật.

 Trong nhà nước pháp quyền, mục đích của pháp luật là bảo vệ cho địa vị của nhân dân, bảo vệ những quyền tự nhiên vốn có của con người mà không ai có thể xâm phạm. Trong chế độ pháp quyền (nhà nước pháp quyền) thì nội dung của pháp luật phải thể hiện các quyền tự nhiên vốn có của con người, trong những quyền ấy có quyền tự do, dân chủ,… của nhân dân. Các quyền tự nhiên vốn có của con người phải được quy định trong luật pháp và nhà nước với tư cách là thiết chế công quyền phải bảo đảm các quyền cơ bản ấy của công dân phải được thực thi trong thực tiễn. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền luôn hướng đến sự hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo cho nhà nước sử dụng quyền lực ấy đúng; và bảo vệ những quyền tự nhiên vốn có của công dân, ngăn chặn sự lạm quyền của nhà nước và bản thân nhà nước pháp quyền (chủ thể ban hành pháp luật) không được đứng trên pháp luật mà phải đặt dưới pháp luật và tuân thủ pháp luật một cách triệt để. Vì vậy, về mặt lý luận chúng ta nhất thiết phải phân định rành mạch giữa pháp quyền và pháp trị, chống lại tư tưởng đánh đồng giữa chúng, làm lệch hướng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) chỉ rõ: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Khi nói về bản chất nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đó là Nhà nước “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng và đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của các mạng Việt Nam”.

Như vậy, không thể lập luận rằng Việt Nam đang thực thi “pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền”, không thể xuyên tạc ở Việt Nam “chỉ có đảng trị, không pháp quyền”, rêu rao nếu thực thi “pháp trị thì xã hội không thể có tự do, dân chủ, nhân quyền”…. Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm cố tình xuyên tạc, bịa đặt thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; dẫn dắt, gieo rắc nhận thức lệch lạc, phủ nhận bản chất, vị trí, vai trò của nhà nước pháp quyền XHCN; chia rẽ khối đại đoàn kết, mối quan hệ, thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ;  hòng làm méo mó bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội XHCN, làm giảm uy tín, vị thế Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét