Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

LUẬN ĐIỆU PHẢN ĐỘNG CỦA NGUYỄN HUYỀN

 

1. Trước hết Nguyễn Huyền cần biết rằng: Đối với mỗi đảng chính trị, đảng cầm quyền ở bất kỳ quốc gia hay thể chế chính trị nào, đều phải tiến hành lựa chọn, bầu cử bộ máy lãnh đạo tiêu biểu, có đầy đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo.

Ở Việt Nam, quy định, quy trình công tác nhân sự, cán bộ của Đảng rất chặt chẽ; các tiêu chuẩn bầu vào cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất rõ ràng, khách quan, khoa học; được quy định trong Điều lệ Đảng, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, quy định tiêu chuẩn chức danh cụ thể Tổng Bí thư: Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện…

Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, quy định để đánh giá và quản lý cán bộ như: Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ; Thông báo số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong các hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội đều lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hằng năm, mỗi đảng viên và tổ chức đảng đều thực hiện tự phê bình và phê bình, bình xét, đánh giá, phân loại đảng viên, tổ chức đảng, trong đó Tổng Bí thư không phải là trường hợp ngoại lệ. Trên cơ sở nhiệm vụ đảng viên, tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá rõ điểm mạnh, điểm yếu, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… được thực hiện một cách dân chủ, công khai, khách quan và chặt chẽ.

2. Những thành tựu và kết quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua, nhất là từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư đến nay đã chứng minh rõ sự tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng.

Tổng Bí thư đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và toàn Đảng, toàn dân xây dựng tốt đoàn kết, thống nhất, có nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri cả nước, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, giữ vững và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Những thành tựu đổi mới đất nước từ 1986 đến nay: Tăng trưởng trung bình từ 1986 – 2020, khoảng 7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Liên tiếp trong 4 năm, từ 2016 – 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới; năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng (2,91%), năm 2021 (2,56%), năm 2022 ( 8,02%). Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192 nước, quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài.

Đánh giá tổng quát thành tựu trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016 – 2020): Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả… Những kết quả đó có một phần đóng góp quan trọng về công sức, trí tuệ, phẩm chất, năng lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong gần 3 nhiệm kỳ qua.

Là một lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn học tập và làm theo Bác Hồ, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, nhân dân; chấp hành nghiêm Quy định những điều đảng viên không được làm; nêu gương về mọi mặt; kiên quyết, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống và phong cách công tác; luôn xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng và toàn dân. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với số phiếu gần như tuyệt đối, thể hiện ý chí và tín nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân.

Như vậy, luận điệu của Nguyễn Huyền là hết sức phản động, là bịa đặt, cần được chỉ rõ và kiên quyết bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét