Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Bác bỏ luận điệu chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

 

1. Về lý luận: Lịch sử phát triển kinh tế thị trường đã chỉ ra, kinh tế thị trường xuất hiện từ xã hội nô lệ, hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển mạnh trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa ra đời là những tiền đề quan trọng cho sự hình thành kinh tế thị trường. Kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao tiến tới kinh tế thị trường, vận hành theo cơ chế thị trường. Chính chủ nghĩa tư bản đã tận dụng những ưu thế của kinh tế thị trường để tìm kiếm lợi nhuận, thúc đẩy làm cho nền kinh tế thị trường hiện đại phát triển nhanh. Do đó, kinh tế thị trường là thành quả phát triển kinh tế, trí tuệ chung của nhân loại, chứ không phải là sản phẩn riêng của chủ nghĩa tư bản, đồng nhất với chủ nghĩa tư bản.

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội loài người. C. Mác đã rút ra kết luận: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên”. V.I. Lênin cũng chỉ rõ: “Tính quy luật chung của sự phát triển trong lịch sử toàn thế giới đã không loại trừ mà trái lại, còn bao hàm một số giai đoạn phát triển mang những đặc điểm hoặc về hình thức, hoặc về trình tự của sự phát triển đó”. Nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, quy luật khách quan của kinh tế thị trường và xu thế phát triển tất yếu của thời đại, Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; bảo đảm phù hợp với điều kiện và đặc điểm Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, các thế lực thù địch thường xuyên chống phá. Hơn nữa, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được xác lập, do đó cần tiếp thu, vận dụng những thành tựu, giá trị văn minh nhân loại như “kinh tế thị trường”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Điều này không chỉ tạo tiền đề cho xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam mà còn góp phần bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại mới”.

2. Về thực tế đã chứng minh: Trước đổi mới (1986), Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch tập trung mang tính bao cấp, đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đất nước có chiến tranh. Tuy nhiên, khi đất nước bước vào đổi mới, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu trên toàn thế giới, dẫn đến nền kinh tế kế hoạch tập trung mang tính bao cấp không còn phù hợp.

Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước; chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp; coi trọng việc kết hợp lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội. Đại hội VII, VIII của Đảng xác định: Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Từ Đại hội IX của Đảng đến nay, Đảng ta luôn xác định rõ đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cũng như Hiến pháp năm 2013 xác định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Thực hiện đường lối đổi mới từ 1986 đến nay, Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, có thu nhập thấp, đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đánh giá 35 năm đổi mới (1986 – 2020) “Mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước)”. Liên tiếp trong 4 năm, từ 2016 – 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới; năm 2021, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,56%, năm 2022 là 8,02%. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192 nước, quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài.

Lý luận và thực tiễn nêu trên chính là những minh chứng bác bỏ luận điệu chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của Bùi Quang Vơm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét