Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

Không thể phủ nhận chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số

 

Chiêu bài lợi dụng dân tộc, tôn giáo không phải là vấn đề mới trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhưng thủ đoạn gần đây cho thấy, bọn chúng ngày càng “liều lĩnh”, “đăng đàn” chống phá. Trong số đó nổi lên nhân vật Song Chi với nhiều bài viết vu cáo, xuyên tạc, y rêu rao rằng: “Đồng bào dân tộc thiểu số bị đối xử bất công, bất bình đẳng so với người kinh”… Có thể thấy, đây là luận điệu xuyên tạc, kích động hết sức nguy hiểm, mục đích của y và đồng bọn nhằm chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc; phủ nhận những chính sách đúng đắn của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, hiểu đúng về dân tộc, bình đẳng giữa các dân tộc và bản chất của việc lợi dụng vấn đề dân tộc, giúp mỗi người dân nâng cao cảnh giác cách mạng, đồng thời có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Thực tế cho thấy, qua mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn bảo đảm cho các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển, đồng thời chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này, không những được ghi trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong các luật, văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn, thông qua nhiều chính sách, chương trình quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển bình đẳng trên mọi lĩnh vực.

Về chính trị, việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng. Ví dụ: Quốc hội khóa XV có 17,84% tổng số đại biểu là người dân tộc thiểu số, cao nhất từ trước đến nay, đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người là dân tộc Lự và Brâu.

Về kinh tế, Nhà nước tăng cường ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 được đầu tư 626.229 tỷ đồng từ ngân sách.

Về văn hóa – xã hội, Nhà nước có chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Về quyền tiếp cận giáo dục, Nhà nước ta ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với các địa bàn khó khăn như các tỉnh Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chính sách phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ; mạng lưới y tế được củng cố (từ năm 2010 đến 2020, số bệnh viện tăng từ 75 lên 90, có trạm y tế ở tất cả các xã, phường, số giường bệnh tăng từ 8.647 lên 14.742)… Những minh chứng trên phản ánh những chính sách đúng đắn của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 còn cao: Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số hộ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, chiếm 21,92% với 701.461 hộ; khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 10,04% với 571.251 hộ; Tây Nguyên là 15,39% với 236.766 hộ… Những vấn đề này đã và đang được các cấp bộ, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống; đồng bào các dân tộc đoàn kết, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Từ những vấn đề trên cho thấy, những chính sách đúng đắn của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số là không thể phủ nhận; cơ quan, ban ngành các cấp cần chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền để mỗi người dân, hiểu đúng về vấn đề dân tộc, bình đẳng giữa các dân tộc; đồng thời, lên án, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc kích động, chống phá chính quyền; kịp thời đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc như Song Chi và đồng bọn của y./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét