Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Phản bác những luận điệu xuyên tạc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

 

Ngày 10 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch bằng nhiều chiêu trò tinh vi, xảo quyệt và thâm độc đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cần nhận diện rõ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ngay sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua, nhất là khi Luật có hiệu lực thi hành, các thế lực thù địch bằng những lập luận mang tính áp đặt, ngụy biện đã, phủ nhận quan điểm đúng đắn của Đảng, chính sách tốt đẹp của Nhà nước ta trong bảo đảm các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Việt Nam chỉ “mang tính chỉnh sửa về hình thức”; “các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không đi theo hướng bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân”, “không đúng bản chất của dân chủ”… Những luận điệu thâm hiểm này của các thế lực thù địch không có mục đích nào khác, vẫn là cổ vũ cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam, hướng lái nền dân chủ ở Việt Nam theo nền dân chủ tư sản.

Có thể khẳng định, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là dự án luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc. Bởi đây là dự án luật mang tính đặc thù trong thể chế chính trị và pháp luật của Việt Nam, nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện bản chất một nền dân chủ tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực để phát triển xã hội. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn là sự cụ thể hóa những quy định mới trong Hiến pháp 2013: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước đánh dấu quan trọng để đưa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về dân chủ xã hội chủ nghĩa đi vào cuộc sống, với nhiều điểm mới so với những quy định trước đây. Với tính chất là văn bản Luật của Quốc hội thể chế hóa quyền dân chủ của Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013, Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ngoài các quyền được cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, quyết định các nội dung theo quy định của pháp luật, Luật còn bổ sung quyền được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, Luật cũng quy định các nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghĩa vụ tham gia ý kiến vào các nội dung, vấn đề được lấy ý kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia của mình hoặc của người đại diện theo ủy quyền; chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Để thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, Luật đã quy định theo hướng bổ sung các nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi để người dân được biết, tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định, công dân sinh sống tại cộng đồng dân cư có sáng kiến đề xuất các công việc trong nội bộ cụm dân cư, tổ dân phố không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội và được ít nhất 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư thảo luận, quyết định. Quy định này nhằm tăng cường việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, Luật cũng quy định về nghị quyết của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng…

Với những quy định cụ thể, mới và tiến bộ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, chứ không phải “mang tính chỉnh sửa về hình thức” như các thế lực thù đang rêu rao. Mỗi chúng ta, dù ở địa vị nào trong xã hội cũng phải thực hiện tốt các quy định của Luật và không cho phép bất cứ thế lực nào xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét