Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

PHẠM TRẦN “BỊA ĐẶT” VÀ “XUYÊN TẠC” TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

 

Vẫn những bổn cũ soạn lại, với mục đích nhằm bóp méo sự thật, xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, mới đây, trên trang Doithoaionline trong bài viết “20 năm thất bại của nghị quyết 36”, Phạm Trần cho rằng: Điều 4 của Luật Báo chí 2016 cũng xác nhận tính “độc quyền của nhà nước;… nhân dân đã bị loại khỏi hàng ngũ người có quyền được hành nghề báo chí; người làm báo trong chế độ CSVN chỉ là tay sai của đảng”. Đây thực chất là một luận điệu “bịa đặt” cố tình “xuyên tạc”, bóp méo sự thật về tự do ngôn luận, tự do báo chí, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

  1. Đọc toàn bộ nội dung bài viết cho thấy, Phạm Trần đã không hiểu hay cố tình không hiểu về Hiến pháp Việt Nam, Luật Báo chí và thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013, xác định rất rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Luật Báo chí số 27/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Văn phòng Quốc hội, quy định rõ: Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Theo đó, tại Điều 4 xác định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Trong Điều 10 cũng quy định rõ về quyền tự do báo chí của công dân như: Sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in. Điều 13 xác định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

  1. Thực tế cho thấy, trên thế giới, không có tiêu chuẩn chung nào áp dụng cho tự do báo chí của tất cả các nước. Nhiều nước phương Tây đều có những quy định riêng rất chặt chẽ về hoạt động báo chí, như: Mỹ, Anh, Pháp, Italia,… Ở Việt Nam, trên cơ sở hành lang pháp lý của Hiến pháp và Luật Báo chí, những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của của hệ thống báo chí, truyền thông và đời sống báo chí ở nước ta ngày càng phát triển mang tính chuyên nghiệp, sôi động và hiệu quả, đã phản ánh rõ nét những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các cam kết về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiếp ước quốc tế, khu vực liên quan. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet… Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, cả nước đã có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện, 127 cơ quan báo chí, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát tranh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người, tăng gấp 6 lần so với năm 2000. Các nhà báo quốc tế luôn được Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để tác nghiệp; các nhà báo Việt Nam được tạo điều kiện học tập, trao đổi, hợp tác về báo chí trong và ngoài nước; mạng xã hội cũng là một kênh thông tin tham gia mạnh mẽ vào môi trường truyền thông ở Việt Nam; mọi người dân đều được quyền phát ngôn, thảo luận các vấn đề của đời sống. Tự do báo chí ở Việt Nam luôn lấy mục tiêu cao cả nhất đó là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Những kết quả trên đây là minh chứng rõ nét cho việc phát triển mạnh mẽ các cơ quan báo chí, truyền thông và tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được bảo đảm.

Vì vậy, những luận điệu của Phạm Trần nêu trên là hoàn toàn “bịa đặt”, “xuyên tạc” về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét