Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN TÂY NGUYÊN NHANH, BỀN VỮNG LÀ CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

 

Khu vực Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây cũng là một trong những vùng dân tộc, tôn giáo đặc thù của cả nước mà các thế lực thù địch ra sức lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị – xã hội cho khu vực. Mới đây, trên Vietnamthoibao, Quang Nguyễn phát tán bài viết “Tây Nguyên: Nước mắt và máu”. Y cho rằng: “Chính quyền Việt Nam chiếm dụng đất và tài nguyên; không đáp ứng văn hóa và nhu cầu của cộng đồng dân tộc bản địa; không quản lý và phát triển bền vững; căng thẳng chính trị và xã hội…” Thực chất, đây là việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động ly khai ở các vùng dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là âm mưu mà các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, vu cáo Nhà nước ta kỳ thị, phân biệt đối xử, đàn áp đối với các dân tộc thiểu số; gieo rắc mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường hoạt động trên các diễn đàn quốc tế, kể cả các diễn đàn của Liên hiệp quốc để khuếch trương thanh thế, xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam.

  1. Luận điệu thù địch về chiếm dụng đất và tài nguyên ở Tây Nguyên

Lợi dụng các vấn đề lịch sử – hiện tại liên quan đến đất đai, tài nguyên rừng và một số bất cập cụ thể trong việc thực hiện chính sách kinh tế – xã hội vấn đề dân sinh, dân chủ…để xuyên tạc, chống phá. Từ xa xưa trong lịch sử, Tây Nguyên là vùng có nhiều dân tộc, tộc người sinh sống; cùng với quá trình biến động dân cư do quá trình di dân tới vùng này, đã nảy sinh các yếu tố phức tạp về đất đai. Thực tế đó, bị các thế lực thù địch, chống phá cách mạng lợi dụng, kích động ảnh hưởng đến sự phát triển chung và tình hình an ninh chính trị xã hội của vùng. Khơi dậy những vấn đề lịch sử xa xưa để kích động, chia rẽ người Kinh với đồng bào các dân tộc khác ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch đã tuyên truyền, xuyên tạc với các luận điệu như “Tây Nguyên là của người Thượng”, “Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người Kinh về xuôi”…

Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, có thể khẳng định, đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, tất cả người dân Việt Nam thực hiện quyền sở hữu của mình thông qua người đại diện là Nhà nước. Người dân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu riêng đối với đất đai. Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất đều là các hoạt động trao quyền sử dụng đất từ Nhà nước cho người sử dụng nhằm bảo đảm cho đất đai được phân phối và phân phối lại cho các đối tượng sử dụng hợp pháp, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại. Thực tế, những năm vừa qua đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giao đất và sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không có chuyện người Kinh chiếm đất của đồng bào ở Tây Nguyên.

  1. Quản lý phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ quan tâm lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, mà còn đặc biệt quan tâm phát triển vùng đất này trên tinh thần làm tốt kinh tế, xã hội sẽ góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội; và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế – xã hội như đã đề cập trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Quan điểm “xây dựng và phát triển Tây Nguyên kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại” đã, đang được triển khai. Đó chính là, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hàng lang kinh tế Bắc – Nam để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới; phát triển hạ tầng y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đó là thực hiện các chính sách để nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên gắn liền với việc duy trì, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của vùng và di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Mọi quyết sách liên quan đến Tây Nguyên là nhằm để chuyển khu vực Tây Nguyên từ trạng thái “ổn định để phát triển” sang “phát triển để ổn định”. Vì thế, luận điệu Tây Nguyên bị “cô lập”, bị “đóng cửa”, bị “ngăn cách” đều là không khách quan; là xuyên tạc sự thật. Về mục tiêu đến năm 2030, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường”. Tầm nhìn đến năm 2045: “Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới Hòa Bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường”.

Có thể nhận thấy rằng, mục đích xuyên suốt của các thế lực thù địch là chống phá Đảng, chống phá Nhà nước để đi tới lật đổ chính quyền. Và để thực hiện được mục đích này, rất nhiều âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò mới đã được các thế lực thù địch lợi dụng. Trong đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những vấn đề có tính nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền,… với âm mưu thâm độc là gây chia rẽ, bất ổn ở Tây Nguyên vốn là vùng đất có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng và cũng là nơi mà các vấn đề dân tộc, tôn giáo hiện hữu rất đặc trưng. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, dự báo đầy đủ, chính xác tình hình để kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp phòng, chống thiết thực, hiệu quả, nhằm đánh bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét