QĐND - Một trong những biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, “tự
chuyển hóa” được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ ra là “... lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu
kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi...”. Đây không phải là
biểu hiện mới phát sinh, nay mới nhìn ra, mà là vấn đề đã được Đảng ta cảnh báo
từ lâu.
Đảng ta đã
đánh giá: “Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh
vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực,
làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thách
thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà
nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì chủ
thể của tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn
được giao vì vụ lợi. Như vậy, thực chất hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu
kết với doanh nghiệp để trục lợi là biểu hiện cụ thể của tệ tham nhũng.
Đúng như Đảng
ta đánh giá, tham nhũng xảy ra ở mọi lĩnh vực, nhưng phổ biến vẫn là trong lĩnh
vực kinh tế, đặc biệt là thông qua hoạt động của các doanh nghiệp. Nói đến
doanh nghiệp là nói đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Bên cạnh
những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu
“chộp giật”. Thay vì chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách và luật pháp của Nhà nước, tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm
để có lợi nhuận cao, những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu này thường triệt để
lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, luật pháp của Nhà nước. Để hợp pháp hóa
các chiêu thức làm ăn, chủ các doanh nghiệp này luôn tìm cách tiếp cận, móc
nối, liên kết với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy lãnh
đạo, quản lý điều hành của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt những năm gần đây khi mà
Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập
quốc tế, thì biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp
không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ mà đã xuất hiện một số vụ tham nhũng có
sự móc nối, liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài. Để trục lợi, doanh nghiệp
sẵn sàng “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Đã có không ít cán bộ, đảng viên cấp
cao được doanh nghiệp tặng nhà, tặng xe và những tài sản “khủng” trị giá hàng chục
tỷ đồng... Đó là ở tầm cao, còn cấp thấp hơn, không ít doanh nghiệp cũng sẵn
sàng dùng tiền để “bôi trơn” cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chức năng
để họ xử lý nhanh thủ tục, bỏ qua quy trình, lơ đi những sai phạm... Thậm chí
có nơi, có cán bộ, công chức và chủ doanh nghiệp xem việc đưa và nhận hối lộ
khi giải quyết công việc là “chuyện thường ngày”...
Có thể nói,
tình trạng tham nhũng, đặc biệt là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết
với doanh nghiệp để trục lợi đang diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều chiêu thức, ở
nhiều tầm mức khác nhau, khiến dư luận rất bức xúc. Hậu quả từ những hành vi
lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi không chỉ là
thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào
đội ngũ cán bộ, đảng viên, vào Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN.
Quan điểm
nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là có công lao, thành tích thì trọng thưởng;
ngược lại có khuyết điểm, có tội thì phải xử lý theo đúng các quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến
chất nói chung, những cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với
doanh nghiệp để trục lợi nói riêng thì tùy vào tính chất, mức độ nhất thiết
phải xem xét xử lý nghiêm minh. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát
biểu: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì
khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót.
Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta
phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”. Nhân dân không lấy gì
làm vui trước việc ông Nguyễn Xuân Anh - một cán bộ cấp cao của Đảng bị xử lý
kỷ luật. Nhưng nhân dân mừng vì Đảng ta đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, thái độ
thẳng thắn và kiên quyết. Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng càng
thêm chứng minh không có chuyện nương nhẹ, không có vùng cấm trong xem xét kỷ
luật Đảng. Đây là việc làm cần thiết, một tín hiệu vui cho thấy quyết tâm chính
trị của Đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ.
Đấu tranh
chống tham nhũng nói chung, ngăn chặn những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền
hạn cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên
thoái hóa biến chất nằm ngay trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà
nước là một việc khó và cần một quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân
và của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Đặc
biệt trong thời điểm hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ
phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp, nếu thiếu các biện pháp quản lý, điều hành vừa bao quát, vừa
chặt chẽ, cụ thể thì rất dễ dẫn đến phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thất thoát
vốn và tài sản Nhà nước.
Để ngăn chặn
có hiệu quả những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp
nhằm trục lợi, bên cạnh các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo
dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tiếp tục hoàn thiện thể
chế về quản lý kinh tế-xã hội; xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm..., dư
luận cho rằng, phát huy tai mắt nhân dân, lắng nghe ý kiến phản ánh, tố giác
tham nhũng của nhân dân là một giải pháp rất quan trọng. Thực tế thời gian qua
cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng, trong đó không ít vụ cán bộ, đảng viên có
chức, có quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi
đã được đưa ra ánh sáng nhờ tai mắt của dân. Có thể nói tai mắt của dân hết sức
tinh tường và ở khắp mọi nơi nên không gì có thể qua được. Điều quan trọng là
chúng ta phải biết phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân.
Đồng thời phải biết cổ vũ, động viên, khích lệ phát huy tinh thần giám sát và
dũng cảm tố giác tham nhũng của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng
các cấp đề cao trách nhiệm, tiếp thu và giải quyết kịp thời, thấu đáo những ý
kiến phản ánh của nhân dân. Đó sẽ là nguồn động lực để mọi người dân vững tin,
tích cực đóng góp sức mình vào cuộc đấu tranh đẩy lùi tệ tham nhũng nói chung
và những biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp nhằm
trục lợi nói riêng.
Luongnguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét