Những năm gần đây, thực hiện chiến
lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch
thường sử dụng thủ đoạn kêu gọi người dân tham gia “bất tuân dân sự” nhằm tập
hợp lực lượng để khi có thời cơ thì tiến hành các cuộc “cách mạng màu”, “cách
mạng đường phố”, lật đổ chính quyền. Để không mắc mưu, chúng ta cần nâng cao
cảnh giác với những lời kêu gọi “bất tuân dân sự” dưới mọi hình thức.
Theo giải thích của Từ điển mở
Wikipedia “Bất tuân dân sự là các hoạt động, công khai từ chối tuân theo một số
luật lệ nhất định, yêu cầu và lệnh của chính phủ, hoặc của một quyền lực quốc
tế chiếm đóng… Bất tuân dân sự đôi khi, mặc dù không phải luôn luôn, được định
nghĩa như là phản kháng bất bạo động”. Cũng theo Từ điển này, những vụ bất tuân
dân sự lớn, sớm nhất được thực hành bởi người Ai Cập chống lại sự chiếm đóng
của Anh trong cuộc cách mạng Ai Cập năm 1919. Nó đã được sử dụng trong nhiều
phong trào phản kháng bất bạo động tại nhiều quốc gia, như: chiến dịch của M.
Gan-đi để giành độc lập từ đế quốc Anh ở Ấn Độ; cuộc chiến chống phân biệt
chủng tộc của N. Man-đê-la ở Nam Phi; “cách mạng nhung” ở Tiệp
Khắc và Đông Đức; “cách mạng ca hát” ở các nước vùng Ban-tích (thuộc Liên
Xô) vào những năm cuối thế kỷ XX. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, hình thức này
được thực hiện trong “cách mạng hoa hồng” ở Gru-zi-a (năm 2003), “cách
mạng cam” ở U-crai-na (năm 2004), “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông
và Bắc Phi đầu những năm 2010, v.v.
Thời gian gần đây, nhận thấy sự lợi
hại của phương thức đấu tranh bất bạo động, các thế lực thù địch ra sức cổ súy
cho hình thức “bất tuân dân sự”, xem đó là con đường hữu hiệu để lật đổ chế độ
chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trên các trang mạng xã hội của các
thế lực thù địch xuất hiện nhiều lời kêu gọi thực hiện “bất tuân dân sự” tại
Việt Nam, như: “Lối thoát cho Việt Nam - bất tuân dân sự”, hoặc “Bất tuân dân
sự - con đường tự do cho Việt Nam”(!), v.v. Họ ra sức tuyên truyền, cổ súy cho
các phong trào “bất tuân dân sự” trên thế giới, như phong trào “cách mạng dù”
gần đây ở Hồng Kông (Trung Quốc); qua đó, phổ biến kinh nghiệm, giới thiệu các
nguyên tắc, hình thức tham gia, hướng dẫn cách đề ra khẩu hiệu, cách mang mặc
trang phục và công cụ mang theo của những người tham gia,… với cái gọi là “cẩm
nang cho bất tuân dân sự”(!). Các tổ chức phản động ở nước ngoài, như: Việt
Tân, Voice cũng mở nhiều lớp huấn luyện nội dung, hình thức “bất tuân dân sự”
cho các thành viên để đưa về Việt Nam thực hiện hành động phá hoại. Chúng lợi
dụng bức xúc của người dân trước những vấn đề dân sinh, như: vướng mắc về giải
phóng mặt bằng, thu hồi đất, ô nhiễm môi trường; những bất cập, chưa sát thực
tiễn của một số chủ trương, chính sách cụ thể; hay những hạn chế, yếu kém của
chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý xã hội; hoặc lợi dụng sự ngộ
nhận của người dân trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc mà các thế lực phản
động, cơ hội,… tuyên truyền để kích động họ tụ tập, phản đối, không thực
hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, thúc đẩy hình
thành các mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, hợp thức hóa việc thực hiện
mưu đồ tập hợp lực lượng, chống đối chính quyền, để khi mâu thuẫn lên cực điểm,
chúng sẵn sàng kêu gọi kết hợp đấu tranh bất bạo động với bạo động để chống
chính quyền, như vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản nhà nước ở Bình
Thuận (tháng 6-2018).
Để ngăn chặn, làm thất bại thủ đoạn
kêu gọi “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch, cần quán triệt và thực hiện
đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng
tâm sau:
Chủ động vạch trần bản chất của thủ
đoạn “bất tuân dân sự”, làm cho người
dân hiểu rõ những lời kêu gọi “bất tuân dân sự” là một thủ đoạn tinh vi, nguy
hiểm, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhằm
phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước của nhân dân ta.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho người dân thấy rõ bản chất
của thủ đoạn “bất tuân dân sự” là những hành động cố ý cản trở việc thực thi
luật pháp, chính sách của chính quyền. Nói cách khác, đó là hành động vi phạm
pháp luật có chủ ý, thể hiện tư tưởng cực đoan, “vô chính phủ” của cá nhân, tổ
chức, hay của một nhóm người cụ thể; đi ngược lại lợi ích chính đáng của đại đa
số quần chúng nhân dân. Ở nước ta, khi bị các thế lực thù địch lợi dụng, “bất
tuân dân sự” trở thành công cụ để lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính
trị. Do đó, mọi người dân cần đề cao cảnh giác với những lời kêu gọi “bất tuân
dân sự” dưới mọi hình thức.
Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên
truyền, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân; làm cho khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp
luật” đi vào thực tiễn cuộc sống, được nhân dân quán triệt và chấp hành nghiêm
chỉnh ở mọi lúc, mọi nơi. Theo đó, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính
trị để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phù hợp
với từng đối tượng, địa bàn; trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác này
trong các nhà trường, ở các bậc học, từ bậc phổ thông đến đại học. Các cơ quan
thông tin, truyền thông cần phát huy thế mạnh của mình, thường xuyên dành dung
lượng phù hợp (số trang, số giờ phát sóng,…) để tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật; trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền Nghị định
38/2005/NĐ-CP, ngày 18-3-2005 của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm
trật tự công cộng”. Tập trung làm rõ những hành vi bị cấm, như: “(1). Lợi dụng
các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua
chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng
hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; (2). Tập trung đông người
trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ
chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng
nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng
khác”, v.v. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần
đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ chấp hành, phù hợp với trình độ nhận thức của
từng đối tượng cụ thể để nội dung mỗi luật và văn bản quy phạm pháp luật nhanh
chóng được người dân tiếp nhận. Chính quyền cơ sở ở các địa phương cần coi
trọng việc hướng dẫn người dân cách thức, quy trình, thủ tục khiếu nại, tố cáo,
phản biện xã hội theo quy định của pháp luật để người dân thực hiện. Kiên
quyết, kiên trì động viên, thuyết phục người dân tự giác chấp hành pháp luật
theo đúng quy trình, trình tự; đồng thời, giải thích cho họ hiểu rõ lợi ích của
việc tuân theo và hệ quả của việc bất chấp quy trình, thủ tục đã được pháp luật
quy định.
Thực hiện tốt nền nếp chế độ tiếp
dân của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các địa phương, kịp thời giải
quyết các bức xúc của người dân, không để “việc bé xé thành to”, tạo cơ hội để
các thế lực thù địch kích động phong trào “bất tuân dân sự”. Theo đó, cấp ủy các địa phương cần thực hiện nghiêm túc
Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18-02-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người
đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý
những phản ánh, kiến nghị của dân”. Người đứng đầu cấp ủy các địa phương (tỉnh,
huyện, xã, phường, thị trấn) không chỉ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác
tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, mà
còn phải trực tiếp thực hiện việc tiếp dân (theo định kỳ, hay đột xuất), kịp
thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền. Cùng với đó, người đứng đầu
chính quyền các địa phương phải coi trọng phát huy quyền làm chủ của người dân;
nghiêm túc thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở và quy định của địa phương về tiếp
công dân để kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức xúc chính đáng của người
dân. Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị,
khiếu nại, tố cáo phải trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng
của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền;
trình tự, thủ tục cần đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân.
Tăng cường xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nâng cao năng lực nghiên cứu,
ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ. Đó là những biện pháp nhằm triệt
tiêu các nguy cơ tiềm ẩn mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để kêu gọi
người dân thực hiện “bất tuân dân sự”. Trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy mạnh
thực hiện các giải pháp xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động,
sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; xây dựng nền hành chính phục vụ, trọng dân và gần
dân. Đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, đề xuất, ban hành các văn
bản quy phạm pháp luật, đảm bảo sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Quá trình
thực hiện, cần quán triệt tinh thần: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích
chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”1; khắc phục
triệt để việc đề xuất, ban hành những chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm
pháp luật xa rời thực tiễn, gây bức xúc dư luận, tạo cơ hội cho các thế lực thù
địch lợi dụng kích động. Muốn vậy, cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức trong bộ máy nhà nước thực sự tinh, gọn, hiệu quả; “Đề cao đạo
đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và
thực thi công vụ của cán bộ, công chức”2. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm minh các cá nhân tham nhũng, không
có “vùng cấm”; qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào tính công bằng, nghiêm
minh của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); tích cực ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị
05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Phối hợp chặt chẽ giữa các lực
lượng, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để bám nắm cơ sở; sớm phát hiện và
đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lôi kéo người dân thực
hiện “bất tuân dân sự” ngay khi mới manh nha. Các
địa phương cần có các phương án, kế hoạch phòng, chống “bất tuân dân sự”, lồng
ghép vào các đợt diễn tập khu vực phòng thủ để đánh giá mức độ sẵn sàng của địa
phương. Khi có dấu hiệu xảy ra hiện tượng “bất tuân dân sự”, các lực lượng của
địa phương cần bình tĩnh phân tích, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân, đúng
tính chất của tình hình, không nhầm lẫn giữa mâu thuẫn nội bộ nhân dân với mâu
thuẫn địch - ta; đồng thời, khéo léo phân hóa, cô lập kẻ cầm đầu; kiên trì đối
thoại, thuyết phục người dân bị lôi kéo không vi phạm pháp luật. Trên cơ sở
hiểu rõ nguyên nhân vụ việc, có biện pháp đồng bộ, xử lý triệt để, có lý, có
tình; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu để răn đe và giáo dục,
thuyết phục những người nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo. Việc huy động các lực lượng
tham gia giải quyết các “điểm nóng”, tụ tập đông người, cần thực hiện đúng quy
định của Chính phủ, không tùy tiện.
Cùng với những giải pháp thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy dân
chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, việc thực hiện đồng
bộ các nội dung trọng tâm nói trên sẽ góp phần quan trọng làm thất bại mưu toan
kích động “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt
Nam.
__________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 169.
2 - Sđd, tr. 178.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét