Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Việt Nam không “né” nêu tên Trung Quốc khi tố cáo xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông


Qua việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thay mặt Nhà nước ta phát biểu đề cập đến vấn đề xung đột trên Biển Đông tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các trang mạng phản động đồng loạt đưa các thông tin bịa đặt, sai sự thật như:“Việt Nam đưa căng thẳng Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc, tránh nhắc tên Trung Quốc”; đồng thời trên facebook, trên các trang blog cá nhân giới “dân chủ” đã đăng bình luận công kích Đảng, Nhà nước ta “hèn nhát”, “né” không dám chỉ thẳng tên Trung Quốc, vẫn đi đêm, vẫn không dám kiện Trung Quốc, không dám tự vệ bằng đạn pháo… khi bị Trung Quốc xâm lược như vậy. Điển hình là bài viết ngày 02/10/2019 trên danlambaovn của Nguyễn Dân với tiêu đề: “Còn có… “Nước cờ”?.
Bài viết của Nguyễn Dân rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt và vu cáo trắng trợn chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Trên thực tế, việc phản đối bằng con đường ngoại giao, hòa bình cần “tương xứng”, cần dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” chứ không phải “chỉ mặt đặt tên” Trung Quốc ra trước hàng trăm quốc gia thành viên mới là “dũng cảm”.
 Không chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Liên Hợp Quốc không có nghĩa là “né” nêu tên Trung Quốc.
Thực tế, quan điểm của Việt Nam là luôn cố gắng hết sức mình để tránh xung đột vũ trang, gìn giữ hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin và phát triển bền vững Biển Đông vì tranh chấp trên Biển Đông không chỉ là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề xảy ra xung đột vũ trang sẽ là thảm họa không chỉ đối với Việt Nam và Trung Quốc mà còn là thảm họa cho toàn khu vực, thậm chí là đối với thế giới. Nguyễn Dân cần nhớ rằng: tại phiên họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cuối tháng 7 vừa qua, chính Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ thẳng tên nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và kêu gọi các quốc gia trong khu vực đoàn kết giữ hòa bình trong khu vực. Trước đó, khi Trung Quốc đưa vũ khí ra Hoàng Sa, Việt Nam đã gửi thư tới Liên Hợp Quốc phản đối. Gần đây, trong hầu hết các hoạt động ngoại giao của Việt Nam, các nhà lãnh đạo từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Quốc hội… khi đến thăm các nước đều nêu vấn đề Biển Đông và hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, công khai lên án Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp hoặc chí ít họ cũng phải đồng tình với lập trường của Việt Nam. Điều này khẳng định: Việt Nam hoàn toàn không hề “né” nêu tên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, tuy nhiên trên Diễn đàn Liên Hợp Quốc, ứng xử ngoại giao cũng phải có thông lệ.
Như vậy có thể nói rằng, Việt Nam đã “tổng tấn công” trên mặt trận ngoại giao, không ngại gì chuyện “chỉ mặt đặt tên” quốc gia xâm phạm chủ quyền. Thậm chí, trong các thư chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc 01/10, từ Tổng Bí thư tới Bộ trưởng Ngoại giao cũng đều gắn “thông điệp” đề nghị Trung Quốc “kiểm soát xung đột” trên Biển Đông.
Còn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã rất khéo léo đặt lợi ích của quốc gia vào lợi ích chung của các nước liên quan. Dựa trên tình hình thực tế thì ai cũng biết vấn đề biển Đông có liên quan trực tiếp đến Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN, chúng ta có cần phải chỉ đích danh nữa hay không?
Chứng kiến hành động kiên quyết trên lĩnh vực ngoại giao và truyền thông, đến ngay cả những chuyên gia quân sự phương Tây cũng phải thừa nhận, Đảng Cộng sản Việt Nam không có phe thân Trung Quốc, là nước mạnh mẽ nhất trong đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền so với các quốc gia trong khu vực.
Điều quan trọng Việt Nam tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không phải để lên án Trung Quốc mà trên tư cách là Ủy viên không thường trực của tổ chức này, Việt Nam phải cho thấy trách nhiệm của mình đối với các vấn đề chung của thế giới. Đối với biển Đông, chúng ta chỉ cần làm rõ vai trò làm cầu nối giao thương quan trọng của vùng biển này đối với rất nhiều nước trên thế giới và vấn đề duy trì hòa bình biển Đông là trách nhiệm chung của quốc tế là đủ. Do đó, nếu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh không đề cập đến vì tình hình chung của khu vực và thế giới, mà chỉ “chăm chăm” nghĩ đến câu chuyện của quốc gia mình thì chắc chắn sẽ không nhận được những tràng vỗ tay hưởng ứng nhiều như vậy.
Sự thật quá rõ ràng, nhưng các thế lực thù địch như Nguyễn Dân và đám đội lốt “đấu tranh dân chủ” hay “yêu nước” vẫn cố tình xuyên tạc kiểu “đâm bị thóc, chọc bị gạo” cho thấy động cơ đen tối, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc của chúng. Những giọng điệu ấy dù có xảo quyệt, tinh vi đến đâu đi chăng nữa cũng không thể đánh lừa được dư luận. Bởi, thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không ai có thể xuyên tạc hay phủ nhận được./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét