Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Lộ rõ bộ mặt phản động của Nguyễn Văn Đài khi bàn về dân chủ ở Việt Nam

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc. Nguyễn Văn Đài trong bài viết đăng trên mạng xã hội “Nhân sự chủ chốt: Hội nghị Trung ương 15 quyết – Đại hội 13 bù nhìn” đã xuyên tạc bản chất của dân chủ ở nước ta, cho rằng Đảng ta quyết định hết mọi việc, “độc tài” với cả Nhân dân và đảng viên. Luận điệu này đã phơi bày bộ mặt phản động của y khi đưa ra thứ dân chủ ở “trên trời”.

Một là, nhân sự để bầu làm lãnh đạo ở quốc gia nào cũng đều do các đảng ở nước đó giới thiệu

Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhân sự của các đảng phái chính trị đều là chuyện nội bộ của họ. Những người không phải là đảng viên của đảng thì không được phép tham gia. Ở Mỹ, có nhiều đảng nhưng nắm quyền lực chỉ là chuyện riêng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà. Các Đảng tổ chức Đại hội và bầu người đại diện ra tranh cử Tổng thống. Vừa qua, Đảng Dân chủ bầu Joe Biden ra tranh cử, Đảng Cộng hoà là Donal Trump. Vậy nên không có chuyện người dân Mỹ được đi bầu Chủ tịch Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà. Họ chỉ có quyền bầu Tổng thống, trên cơ sở hai ứng viên của 2 đảng đó và quyền quyết định cuối cùng là lá phiếu đại cử tri chứ không phải phiếu phổ thông. Điều này đã bác bỏ sự xuyên tạc, bịa đặt của Nguyễn Văn Đài về dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam.

Hai là, ở Việt Nam, quyền ứng cử, đề cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của công dân luôn được phát huy

Quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được quy định rõ tại Hiến pháp 2013. Điều 27 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Điều 28 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” và “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội”. Phát huy quyền làm chủ của người dân được coi là mục tiêu và động lực bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới tại Việt Nam.

Nhà nước ta đã tăng cường và mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, gián tiếp nhất là cấp cơ sở. Người dân tham gia rộng rãi và mạnh mẽ vào quản lý nhà nước và xã hội, tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, cũng như cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thực hiện đường lối chính sách và pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Đối với mỗi người Việt Nam, việc được đi bầu cử và thực hiện quyền bầu cử của mình là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm với đất nước. Nhà nước ta luôn tôn trọng và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để mọi công dân thực hiện tốt nhất quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Thực tế đó đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc bản chất dân chủ ở nước ta của Nguyễn Văn Đài và đồng bọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét