Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

LỜI LẼ CỦA NHÀ “DÂN CHỦ CUỘI”

 

Trong thời gian qua, cứ mỗi lần Việt Nam tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng là y như rằng những “nhà dân chủ” tự xưng lại cất lời chê bai đủ điều. Lần này cũng vậy, các “nhà dân chủ” lại đưa ra những bình luận về công tác nhân sự của Đảng, làm ra vẻ đó là những “phát kiến”, để cố vớt vát chút sĩ diện cho cái vỏ “dân chủ” mà họ khoác lên.

Mới đây, trong bài viết trên trang boxitvn, Triệu Tử Long đã đưa ra lập luận rằng cả hai bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 và 1992 “không có chỗ nào nhắc đến chữ dân chủ”, để từ đó quy kết rằng, đây là biểu hiện của không có dân chủ ở Việt Nam. Trong lời lẽ của mình, mặc dù y đã chỉ ra được việc xác lập nhà nước chuyên chính vô sản ở Việt Nam dựa trên lý luận của V.I.Lênin về dân chủ XHCN và thừa nhận đó cũng là hình thức dân chủ. Nhưng rất tiếc, kiểu lý luận cóp nhặt nửa vời, đã không giúp cho y vượt qua nổi những định kiến của mình.

Theo quan niệm chung, dân chủ là chế độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình bầu ra. Trong lịch sử, có nhiều mô hình dân chủ khác nhau; chẳng hạn: dân chủ đa đảng, dân chủ một đảng cầm quyền… Mỗi một mô hình dân chủ có những thiết chế khác nhau, nhưng tựu trung đều được hiểu và được biểu hiện bằng quyền làm chủ xã hội thuộc về nhân dân. Bởi vậy, đánh giá chế độ dân chủ XHCN của Việt Nam chỉ dựa trên câu từ, mà cố tình lờ đi mục tiêu tốt đẹp của chế độ XHCN được nêu đầy đủ Điều 2 trong bản Hiến pháp 1980; đòi chế độ dân chủ XHCN ở Việt Nam phải theo mô hình của phương Tây, thực chất chỉ là vì động cơ chính trị đê hèn, muốn xóa bỏ chế độ xã hội hiện hữu và thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử nhân loại cho thấy, trong xã hội có giai cấp không có dân chủ phi giai cấp. Về thực chất (chứ không phải là trên phương diện tuyên ngôn) dân chủ bao giờ cũng là dân chủ đối với một giai cấp xác định, còn đối với giai cấp đối kháng với nó thì không có dân chủ. Bởi bản chất giai cấp của dân chủ có cơ sở kinh tế của nó. Giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì mới có thể thực sự thực hiện được quyền làm chủ xã hội. Một trong những đặc trưng của nền dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, luôn hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên thực tế, mục tiêu đó đã và đang gặt hái thành công, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Vì vậy, có nhất thiết phải hô khẩu hiệu, phải đưa cụm từ “dân chủ” vào các văn bản pháp quy của nhà nước mới thực sự là có dân chủ, như Long đã đề cập?

Hơn nữa, việc bảo đảm cho nền dân chủ XHCN ở Việt Nam được thực thi đã được ghi rõ trong các bản Hiến pháp của Nhà nước XHCN Việt Nam, được chính Long dẫn ra trong bài viết của mình, đó là: thực hiện và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động thông qua thực hiện chuyên chính vô sản (Hiến pháp 1980), tiến tới hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN (Hiến pháp 1992). Không hiểu sao Long lại có thể lờ đi cái điều mình nói. Chắc là y cũng thừa biết rằng, vấn đề dân chủ và nhân quyền luôn được Mỹ và phương Tây đưa ra đầu tiên, để làm điều kiện gây khó trên mọi lĩnh vực cho các nước mà họ không ưa, nhất là những quốc gia có chế độ chính trị khác biệt.

Cũng cần nói thêm với Long rằng: Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 03/7/2020 BBC đã dẫn lời Đại sứ Mỹ  Kritenbrink nói rằng “quan hệ hai nước đang ở mức tốt nhất và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hợp tác này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì”. Cũng BBC còn nhấn mạnh thêm lời ông Đại sứ rằng “Có lẽ, chúng tôi không có người bạn nào tốt hơn Việt Nam. Sự hỗ trợ của các bạn đã giúp cứu mạng người Mỹ”, đủ thấy Mỹ đánh giá cao dân chủ ở Việt Nam.

Hiểu chưa đúng về dân chủ ở Việt Nam có thể do nhận thức không đầy đủ về dân chủ và nhân quyền. Còn xuyên tạc, phủ nhận thành tựu về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, thì chắc chắn đó là sự phản bội lại những hy sinh của các thế hệ cha anh đã và đang đấu tranh vì nền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Bài của Long đã giải thích nhiều về cơ sở và thành tựu dân chủ ở Việt Nam, nhưng tiếc rằng Long đã cố tình hiểu sai và không nói đúng với những gì đang diễn ra ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét