Trần Trung Đạo đăng trên “Vietnamthoibao” bài viết có tiêu đề: “Tham nhũng dưới chế độ CS”. Bài viết của Trần Trung Đạo đã lấy một số hạn chế trong hoạt động phòng, chống tham nhũng ở một số nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và Việt Nam để xuyên tạc đánh lừa người đọc hiểu nhầm nguyên nhân dẫn đến tham nhũng ở các nước xã hội chủ nghĩa và ở Việt Nam là do Đảng cộng sản lãnh đạo, do thể chế chính trị. Y đưa ra quan điểm hết sức sai trái rằng: “tham nhũng thối nát không thể nào bị ngăn chặn hay xóa bỏ khi nào tính độc tài chuyên chính còn tồn tại…”. Song, thực tiễn lại hoàn toàn bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái của Trần Trung Đạo, bởi lẽ:
Thứ nhất, Trần Trung Đạo phải hiểu rằng: Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, không riêng gì ở Việt Nam mà bất cứ một quốc gia nào, hay chế độ chính trị nào trên thế giới cũng đều có vấn nạn này.
Ví như ở Mỹ, theo thống kê của Đại học Illinois, thủ đô Washington D.C và các thành phố lớn: Chicago, Los Angeles, Manhattan, Miami có số công chức bị kết tội tham nhũng rất cao. Trong giai đoạn từ năm 1976 tới năm 2016, Chicago có hơn 1.700 công chức bị xử lý, cao nhất tại Mỹ. Los Angeles đứng thứ hai với hơn 1.500 công chức bị xử lý. Manhattan đứng thứ ba với hơn 1.300 công chức. Đứng thứ tư và thứ năm lần lượt là Miami với 1.165 công chức và Washington D.C với gần 1.200 công chức. Như thế, mặc dù Mỹ có các đảng phái cạnh tranh, giám sát nhau; hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng. Hay tại châu Âu, nơi các quốc gia theo chế độ đa đảng, nhưng theo báo cáo về tham nhũng của Đảng Xanh châu Âu (European Green Party) công bố cuối năm 2018 cho biết một thực trạng tồi tệ, đó là các quốc gia thành viên của EU mất tới 900 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD) mỗi năm vì tham nhũng. Như thế, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh, mà mọi quốc gia đều phải tiến hành chứ không phải như lời lẽ xuyên tạc của Trần Trung Đạo
Bên cạnh đó, tham nhũng ở Mỹ và các nước châu âu còn được thực hiện một cách tinh vi dưới những vỏ bọc hợp pháp trên danh nghĩa vận động hành lang. Đó là việc gián tiếp đưa hối lộ bằng nhiều hình thức như thông qua việc quyên góp, ủng hộ quỹ cho các chiến dịch của các chính trị gia, các nghị sĩ … nhằm thao túng các quyết sách của giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu. Mặt khác, nhìn vào bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (công bố đầu năm 2022) có thể thấy rất rõ quốc gia nào cũng có tham nhũng, mà không phân biệt tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa chỉ khác ở mức độ nghiêm trọng, bởi không có quốc gia nào đạt được điểm 100 (tức là không có tham nhũng). Những nước đứng đầu bảng xếp hạng CPI là Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand, cũng chỉ đạt 88 điểm, nghĩa là vẫn có tham nhũng. Còn những nước đứng cuối bảng là Somalia, Syria và Nam Sudan chỉ đạt từ 11 đến 13 điểm. Bảng xếp hạng còn cho biết, trong 10 năm qua (kể từ năm 2012 đến nay), 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI, trong đó có các nước như Australia, Canada và Mỹ. Điều đó cho thấy tham nhũng ở những nước này trong 10 năm qua có xu hướng gia tăng.
Thứ hai, Việt Nam có phòng, chống được tham nhũng hay không thì hãy nhìn vào những việc làm, hành động cụ thể mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Ở Việt Nam hiện nay công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng và toàn diện. Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cũng ngày càng được hoàn thiện đầy đủ. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai; không bỏ lọt tội phạm; xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Như vậy, có thể khẳng định, với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” tham nhũng ở Việt Nam từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng chứ không có chuyện chỉ các nước phương tây mới chống được tham nhũng. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của Trần Trung Đạo và đồng bọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét