Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của Lê Quốc Quân

 

Mới đây, Lê Quốc Quân – cái tên không còn xa lạ trên diễn đàn “Voatiengviet” đã đăng tải và phát tán nội dung “Tin đồn, tự do báo chí và cải tổ chính trị”. Vẫn chiêu bài cũ rích “tự do báo chí” với tiếng nói lạc điệu, mơ hồ, y cho rằng “nhà báo Việt Nam đang bị (hoặc tự) “bịt miệng”, từ đó quy chụp ở Việt Nam “nhân quyền, sau Đảng quyền”. Thực chất đây chỉ là sự phụ họa bình phẩm, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Song, cả phương diện lý luận và thực tiễn đã cho chúng ta thấy:

1. Một Việt Nam với quyền tự do báo chí rộng mở

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí Việt Nam phát triển. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là hiện thực sinh động cho báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ làm báo và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội.

Về phương diện chính trị, pháp lý: Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Điều 25 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo Luật Báo chí 2016, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Về phần mình, cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp. Không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25). Tất nhiên, cũng như ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia, tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật. Luật Báo chí 2016 quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13).

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, quyền tự do báo chí được bảo đảm. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với 20.507 người được cấp thẻ nhà báo. Nhiều tờ báo đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo… xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe-nhìn-đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí phát triển. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam. Các cơ quan truyền thông quốc tế như: CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Như vậy, cả cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Điều này có ý nghĩa bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của Lê Quốc Quân về bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam.

2. Không thể xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nền báo chí Việt Nam

Đằng sau những bình phẩm, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam với giọng điệu “nhân quyền sau Đảng quyền”, Lê Quốc Quân đang cổ súy cho thứ “tự do báo chí” vô nguyên tắc”, báo chí “phi chính trị hóa”, “phi đảng tính”… Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, vô căn cứ với dã tâm muốn tách rời hoạt động của báo chí khỏi sự lãnh đạo của Ðảng. Bởi, trong sự phát triển chung của báo chí gắn với sự phát triển của đất nước, của xã hội, không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nêu rõ quan điểm: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự  quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Rõ ràng, ở Việt Nam hiện nay báo chí không thể có cái gọi là “phi chính trị”, “phi giai cấp”, báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn cho thấy nhờ sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ðảng, hoạt động của báo chí đã thật sự phát huy được tính cách mạng, dân chủ, khoa học và nhân văn; là công cụ sắc bén, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân, đóng góp rất quan trọng vào phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cùng với những thành tựu của cách mạng Việt Nam, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Là một trong những kênh thông tin quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Do đó, mọi mưu toan “phi chính trị hóa” đối với hoạt động báo chí, cố tình tách báo chí ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đều là ảo tưởng mà thôi.

Tóm lại, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của Lê Quốc Quân về tự do báo chí ở Việt Nam chỉ là những tiếng nói tiêu cực, lạc lõng của những kẻ cố tình đi ngược lại với ý chí nguyện vọng của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước, nhân dân ta và của nền báo chí cách mạng đáng tự hào của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét