Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

BẤT KỲ HỆ THỐNG TƯ PHÁP NÀO CŨNG MANG TÍNH ĐẢNG

Trong khi cả nước ta đang vui mừng chào đón thành công của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thì lại xuất hiện những ý kiến lạc lõng trái chiều, xuyên tạc, bịa đặt về kết quả của Hội nghị. Một trong những “ý kiến” ấy là của Bùi Quang Vơm – kẻ thường xuyên tung tin sai trái về tình hình chính trị Việt Nam. TS. Vơm cố tình dựng chuyện “điều bất thường xảy ra” và nhào nặn ra cái gọi là “sự thất bại của nhất thể hóa” của Hội nghị Trung ương sáu. Để “chứng minh” cho điều mình viết, TS.Vơm cho rằng: “Trong một chế độ dân chủ đích thực, không phải là chế độ dân chủ giả hiệu như hiện nay, quyền lực tuyệt đối thuộc về ý chí và nguyện vọng của nhân dân và quyền đó được bảo đảm bất khả xâm phạm bởi một hệ thống tư pháp (bao gồm Tòa án và Cảnh sát) độc lập, phi chính trị, trung lập và không tính Đảng”!!!?. Là một độc giả, xin trao đổi để TS. Vơm hiểu thêm về lịch sử chính trị tư pháp các quốc gia trên thế giới và nền tư pháp của Việt Nam trên một số vấn đề sau:

Một là, tư pháp là một hệ thống của cơ cấu quyền lực nhà nước, phản ánh bản chất giai cấp của nhà nước. Từ thời cổ đại, khi xuất hiện Nhà nước như nhà nước dân chủ Aten đã mong quyền lực nhà nước thuộc về tất cả mọi người. Nhưng sự khốn khổ cho con người cũng bắt đầu từ đây. Cái vấn đề làm gì để làm cho quyền lực nhà nước luôn thuộc về tất cả mọi người đã không thể có lời giải suốt hàng nghìn năm qua. Bởi vì, nhà nước vốn đã thuộc về những kẻ giàu có, thống trị và áp đặt mọi tư tưởng và lợi ích của nó lên bộ phận còn lại của xã hội – người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột. Để xoa dịu và dung hòa các cuộc đấu tranh của những người lao động nghèo khổ trong xã hội, nhà nước của giai cấp thống trị đã nghĩ ra cái học thuyết gọi là “tam quyền phân lập”, những mong chia tách các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ra những mảng khác nhau để hòng “độc lập, kiềm chế và đối trọng” lẫn nhau. Nhưng ước mơ nhỏ nhoi đó vẫn mãi là ước mơ mà thôi. Bởi vốn dĩ các giai cấp bóc lột và thống trị về sau trong xã hội loài người lại càng “tinh khôn” hơn trong việc chiếm đoạt tất cả các quyền lực nhà nước vào tay mình.
Các giai cấp bóc lột từ chủ nô, phong kiến, đặc biệt là giai cấp tư sản sau này đã lợi dụng những ý tưởng “tốt đẹp” của một thời Khai sáng đó trong lịch sử nhà nước nói chung, tư pháp nói riêng để khoác lên cái thân hình không thay đổi của nhà nước – công cụ của giai cấp thống trị đàn áp, bóc lộc và tước đoạt giai cấp khác, giai cấp bị trị trong xã hội. Ngay cả nhà nước “hiện đại” thời nay mà con người trên trái đất này vẫn thường “ca tụng” như Hoa Kỳ, thì bản chất của nhà nước đó cũng chỉ luôn phụ thuộc vào một nhóm lợi ích đại diện cho giai cấp tư sản ở nước Mỹ. Tính chất giai cấp của các nhà nước trên trái đất hiện nay càng bộc lộ rõ, thì làm sao mà hệ thống tư pháp của nhà nước đó thoát ra được cái vòng “kim cô” đã bao quanh nó.
Ở Việt Nam, Nhà nước hiện nay cũng mang tính giai cấp như bao nhà nước khác của các quốc gia trên thế giới. Chỉ có điều căn cốt nhất mà bao giai cấp bóc lột truyền thống trước đây không thể chấp nhận được đó là vị trí giai cấp thống trị và giai cấp bị trị đã đổi ngôi. Giai cấp công nhân – nhân dân lao động Việt Nam đã trở thành người chủ. Quyền lực nhà nước nói chung, quyền tư pháp nói riêng để xét xử và giải thích luật pháp hiện nay luôn thuộc về nhân dân lao động, những người chiếm số đông trong xã hội… Lịch sử và bản chất của các nhà nước trên đây luôn lý giải tại sao hệ thống tư pháp không thể độc lập, mà trái lại nó luôn phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị xã hội. Bản chất của nhà nước như thế nào, ắt bản chất của hệ thống tư pháp là như thế vậy.
Hai là, hệ thống tư pháp luôn phản ánh tính chất trường phái, mà đỉnh điểm của nó là phản ánh tính đảng.
Quyền lực nhà nước vốn là một vấn đề chính trị, phản ánh mối quan hệ quyền lực giữa các giai cấp trong xã hội. Đỉnh điểm của nó là thể hiện ở ý chí của giai cấp cầm quyền trong xã hội. Tuy nhiên, trong giai cấp cầm quyền vốn bản thân nó cũng có nhiều phe, nhóm phản ánh lợi ích khác nhau, đôi khi trái ngược nhau, mà tư tưởng chính yếu của nó được thể hiện trong đường lối chính trị của chính đảng mà những kẻ bóc lột tham gia vào đó. Vì vậy, ở nước theo kiểu dân chủ “đa nguyên”, việc thiết lập nhà nước, chính phủ mới chẳng qua là việc thiết lập lợi ích của phe nhóm này đối với phe nhóm lợi ích khác mà thôi.
Xét cho đến cùng, sự xét xử và giải thích luật pháp của hệ thống tư pháp về bản chất chính trị cuối cùng cũng chỉ là sự phán xử của chính đảng này đối với chính đảng khác, của tập đoàn lợi ích này đối với tập đoàn lợi ích khác của giai cấp thống trị, nhất là giai cấp tư sản hiện nay, để làm sao thực hiện được mục đích cuối cùng là cướp đoạt được thật nhiều lợi ích, của cải trong xã hội và của người lao động mà thôi. Trong quá trình xét xử, hệ thống tòa án của nhà nước, chính phủ ấy làm sao có thể độc lập và đứng ngoài ý chí của chính đảng đại diện của phe nhóm, lợi ích đang cầm quyền được.
Ở Việt Nam, ngành tư pháp trong hệ thống quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng luôn phản ánh tính trường phái và tính đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam sâu sắc. Nhưng có điều tính trường phái và tính đảng của Nhà nước nói chung, hệ thống tư pháp Việt Nam nói riêng khác hẳn với các nhà nước “đa nguyên” trên thế giới là ở tính nhất nguyên chính trị xã hội chủ nghĩa. Trường phái là trường phái nhân dân làm chủ, tính đảng là sự phản ánh lập trường của Đảng Cộng sản Việt Nam – người đại diện cho lập trường và lợi ích của giai cấp những người lao động ở Việt Nam. Vì vậy, việc giải thích luật pháp hay xét xử của Tòa án ở Việt Nam dứt khoát là theo quan điểm chính trị và lợi ích của những người dân lao động ở Việt Nam. Chuyện đó là lẽ thường tình, không có cái gì gọi là bất thường cả, ngay cả Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) của Đảng vừa qua có chủ trương nhất thể hóa ở cấp này hay cấp khác cũng là việc phản ánh “tính đảng”, “tính chính trị” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó có hệ thống tư pháp.
Những vấn đề lịch sử, cụ thể của nhà nước và hệ thống tư pháp nói chung trên thế giới, cũng như ở Việt Nam nói riêng đều phản ánh rõ tính chính trị, tính đảng. Không có chuyện “hệ thống tư pháp độc lập, phi chính trị, trung lập và không có tính đảng” trên hành tinh này. Đây là sự thật hiển nhiên và là lịch sử của nhân loại từ khi có nhà nước đến nay. Mong rằng, TS Vơm cần thực tế hơn để kể và cũng chú ý cho những điều hết sức tự nhiên mà loài người, trong đó có người Việt Nam đang sống trên trái đất này./.

2 nhận xét:

  1. Cần có những chế tài cứng rắn, mạnh mẽ để xử lý những kẻ cố tình xuyên tạc sự thật với mục đích chống phá đảng và nhà nước ta, gây hoang mang dao động trong quần chúng nhân dân

    Trả lờiXóa