Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Sự thiển cận của Nguyễn Đình Cống

Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có việc thực hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp đang được thể hiện rõ nét qua các hành động cụ thể, thiết thực. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá, công kích, xuyên tạc.
Bài viết: “Lồng nhốt quyền lực – một ý tưởng thiển cận” đăng trên boxitvn.blogspot đã thể hiện rõ sự định kiến và nhận thức thiển cận của Nguyễn Đình Cống về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Thứ nhất, Nguyễn Đình Cống đã thiển cận khi nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng tham nhũng ở nước ta. Phải thấy rằng, tham nhũng là hiện tượng xã hội, mang tính lịch sử. Tham nhũng xảy ra ở nơi những tổ chức, cá nhân có chức, có quyền khi hệ thống luật pháp, cơ chế, quy chế, quy định chưa đồng bộ, chặt chẽ, thiếu công khai minh bạch; sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, xử lý chưa kiên quyết với các phương pháp, phương tiện tiên tiến, hiện đại; dư luận xã hội và vai trò của quần chúng nhân dân, của báo chí, truyền thông chưa được phát huy đầy đủ; tội phạm tham nhũng chưa được xử lý nghiêm minh, thích đáng; tiêu cực, tệ nạn xã hội tràn lan, suy thoái về đạo đức, văn hóa, lối sống; mỗi cá nhân có chức, có quyền không tu dưỡng, rèn luyện còn tổ chức thì xao nhãng, buông lỏng quản lý, giáo dục…
Và, quốc gia nào cũng vậy, trong từng thời điểm đều do một đảng cầm quyền. Khi đảng nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền nhà nước đều là người của đảng đó; đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Dù chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển, có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, trình độ quản lý kinh tế, xã hội hiện đại.

Thực tiễn cho thấy, tham nhũng là vấn đề toàn cầu, là tệ nạn xảy ra với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, thể chế quyền lực, hình thức nhà nước, trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Theo bảng dữ liệu về tham nhũng năm 2016 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố xếp hạng nạn tham nhũng của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì các quốc gia tiêu biểu về thể chế đa đảng thay nhau cầm quyền vẫn có thứ hạng tham nhũng cao như Mỹ xếp thứ 18, Nhật Bản xếp thứ 20, Pháp xếp thứ 23…
Như vậy, không thể nói rằng nguyên nhân tham nhũng ở việt Nam là do một đảng lãnh đạo.
Thứ hai, Nguyễn Đình Cống đã thiển cận khi đề cao vao trò của “tam quyền phân lập” trong chống tham nhũng. Có thể nói rằng, thực hiện “tam quyền phân lập” có giá trị và tính tích cực nhất định trong chống tham nhũng. Nó tạo ra cơ chế kiềm chế, giám sát, đối trọng giữa các nhánh quyền lực, các cấp quyền lực; hạn chế sự lấn quyền, lạm quyền, tập trung quyền lực vào một cá nhân, tổ chức – một trong những nguyên nhân nảy sinh tham nhũng.
Tuy nhiên, thể chế “tam quyền phân lập” tự thân nó không thể xóa bỏ được cơ cấu quyền lực, không xóa bỏ được chức vị, quyền lực của tổ chức, cá nhân trong cơ cấu quyền lực nói chung và mỗi nhánh quyền lực nói riêng, mà còn tăng thêm quyền lực cho tổ chức, cá nhân mỗi nhánh quyền lực khi trao cho họ quyền độc lập cao hơn quyền kiềm chế, giám sát, đối trọng với các nhánh quyền lực khác. Điều này tác động tiêu cực đến đấu tranh chống tham nhũng như: trì hoãn, né tránh, phủ quyết các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng khi các hoạt động đó không phù hợp với lợi ích của nhóm mình.
Ở các nước thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” hiện nay gắn liền với chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thông thường đảng nào chiếm đa số trong quốc hội thì đảng đó cầm quyền còn các đảng thiểu số trở thành đảng đối lập. Như vậy, đảng cầm quyền có quyền lập chính phủ; cơ quan tư pháp cũng sẽ chịu sự chi phối về nhân sự và quan điểm của đảng cầm quyền. Giả sử đảng thiểu số đưa ra dự luật chống tham nhũng hoặc điều tra cá nhân của đảng cầm quyền, chắc chắn dự luật, kiến nghị đó sẽ bị phủ quyết để đảng cầm quyền bảo vệ cá nhân, tổ chức và uy tín của họ. Nếu được thông qua sẽ tiếp tục bị sự cản trở của bên hành pháp và tư pháp. Trường hợp Tổng thống, Thủ tướng thuộc đảng chiếm thiểu số trong nghị viện, còn ở nghị viện đảng chiếm đa số lại không nắm quyền hành pháp thì việc thông qua các luật, quyết định của bên đối lập đưa ra sẽ rất khó khăn. Cho nên, thể chế “tam quyền phân lập” không thể là phương thuốc “thần diệu” chống được tham nhũng và suy thoái như Nguyễn Đình Cống đã cổ súy, rêu rao.
Những luận điệu mà Nguyễn Đình Cống đưa ra thoáng nghe có vẻ là sự góp ý “hay ho”, nhưng thực chất chỉ là những lời xảo trá, hết sức phản động, nhằm phủ nhận tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, đi ngược lại khát vọng của nhân dân ta. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh kiên quyết với những luận điệu này./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét