Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Sự thật đằng sau luận điểm “Mậu Thân 1968 là cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo”

Chiến thắng Mậu Thân 1968 cách đây tròn nửa thế kỷ. Thời gian không làm phai mờ, mà càng khắc sâu hơn ý nghĩa chiến thắng trong tâm trí chúng ta. Tuy nhiên, khác với những người có lương tri, một số thế lực cố tình phủ nhận, bằng những luận điểm xuyên tạc, ác độc, như: Mậu thân 1968 là cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo!

Họ phủ nhận chiến thắng đó, thực chất là phủ nhận cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đánh đồng cuộc chiến tranh giữ nước chính nghĩa của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Nhằm mục đích trên, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc bản chất, ý nghĩa, tầm vóc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Họ rêu rao rằng, trong sự kiện đó, phía cộng sản “thất bại về đường lối, tổn thất nặng nề về sinh mạng” và “không đạt được mục tiêu” đề ra.
Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 hoàn toàn phủ nhận lời xuyên tạc đó. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công chiến lược là sự kết tinh của nhiều nhân tố hợp thành. Trước hết, đó là đường lối cách mạng đúng đắn, tài thao lược quân sự của Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó là khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chính vì thế đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất của cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thực chất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nói riêng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung là thế. Vậy mà lại có kẻ tuyên truyền xuyên tạc rằng: Mậu Thân 1968 là “cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo”. Thật trơ trẽn, nực cười! Vô nghĩa ư? tàn bạo ư? Điều đó hoàn toàn đúng với những kẻ xâm lược, còn đối với nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược thì hoàn toàn chính nghĩa và có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà cả với nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Quân và dân Việt Nam đã phải trả một cái giá bằng sự hy sinh, mất mát vô cùng lớn cho khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà. Có lật lại trang sử thấm đẫm sự tàn khốc của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây ra mới thấy hết tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nhất là trong bối cảnh so sánh lực lượng, vũ khí trang bị trên chiến trường nghiêng hẳn về địch. Trước khi quân ta tiến công, lực lượng Mỹ - ngụy và chư hầu còn trên 1.200.000 quân với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại; bố trí các tuyến phòng thủ rất vững chắc. Chỉ tính riêng ở Sài Gòn, vào thời điểm cuối năm 1967, hướng Tây Bắc, chúng có Sư đoàn 25 và 2 lữ đoàn quân Mỹ, cộng thêm Sư đoàn Bộ binh 25 ngụy, nhiều tiểu đoàn biệt động và một số đại đội bảo an. Trên hướng Bắc, có Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ cùng Sư đoàn 5 ngụy và hàng chục tiểu đoàn biệt động. Hướng Đông và Đông Bắc, ngoài Lữ đoàn dù Mỹ, còn có các đơn vị lính đánh thuê của Nam Triều Tiên, Úc và Sư đoàn 18 ngụy. Hướng Nam, chúng có các lực lượng dù, lính thủy đánh bộ và các đơn vị hải quân Mỹ. Ngoài ra, trên các đường dẫn vào Thành phố, mạng lưới tình báo, gián điệp, mật vụ cùng hệ thống bốt canh, trạm kiểm soát giăng khắp nơi, để đề phòng đối phương tiến công, v.v. Thế nhưng, bằng các hoạt động nghi binh chiến lược của ta, đặc biệt là chiến dịch Khe Sanh mở màn trước Tết Mậu Thân 10 ngày, Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bị lạc hướng. Trong khi chúng nhận định Khe Sanh là một “Điện Biên Phủ” trong ý đồ chiến lược của Bộ Thống soái Việt Nam, thì đêm 30, rạng sáng ngày 31-01-1968, quân và dân miền Nam đã bất ngờ nổ súng tiến công, làm cho đối phương bị động, hoảng loạn và chịu nhiều thất bại. Trong cuộc chiến đấu đó, Quân Giải phóng đã huy động tổng lực, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, đến đặc công, biệt động, pháo binh; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa đánh lớn, đánh vừa và nhỏ để giành chiến thắng.
Tại Sài Gòn - Gia Định và vùng lân cận, quân ta tập trung đánh vào các trung tâm đầu não, như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Gia Long, Bộ Tổng Tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn; các đơn vị chủ lực, như: Sư đoàn 1 - “Anh cả đỏ”, Sư đoàn 25 - “Tia chớp nhiệt đới” của quân Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 quân ngụy; các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa; Tổng kho Long Bình, v.v. Cùng với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang của các ban, ngành, đoàn thể, như: các đội tự vệ, biệt động Thành đoàn, Thanh niên, Công đoàn, Hoa vận, Phụ nữ,... hoạt động rộng khắp, phối hợp đánh chiếm các bốt cảnh sát, truy diệt ác ôn. Khí thế cách mạng của quần chúng dấy lên mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn. Nhân dân dẫn đường cho bộ đội, tiếp tế lương thực, tải thương, cứu chữa và nuôi giấu thương binh, dựng chướng ngại vật trên đường phố, tham gia truy bắt ác ôn, v.v.
Ở Huế, nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, đặc công, biệt động,… đã đánh chiếm 39 khu vực trong và ngoài Thành phố. Quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn Thành phố 25 ngày và tổ chức chính quyền cách mạng từ thành phố đến cơ sở. Các lực lượng vũ trang đánh lui hàng trăm đợt phản kích của địch. Quần chúng nhân dân nổi dậy lùng diệt, truy quét ác ôn và tàn binh; xây dựng công sự, trận địa phòng thủ, cứu chữa thương binh, vận động binh lính và nhân viên chính quyền cũ trình diện chính quyền cách mạng. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, gồm các nhân sĩ, trí thức, sinh viên, chức sắc tôn giáo yêu nước được thành lập và kêu gọi toàn dân đoàn kết chống Mỹ và tay sai. Bên phía hữu ngạn sông Hương, quần chúng phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh chiếm Tòa Tỉnh trưởng, giải phóng hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ bị giam ở Lao Thừa Phủ, v.v. Cùng với Sài Gòn, Huế, các nơi khác, như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phan Rang, Đà Lạt, Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và nhiều địa phương khác, quân, dân ta đã dồn dập tiến công, làm cho Mỹ - ngụy ngày càng sa lầy nghiêm trọng.
Rõ ràng, cuộc chiến đấu của quân và dân ta không phải là vô nghĩa, như những kẻ cơ hội xuyên tạc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam, với những đòn “sấm sét” liên tiếp, không chỉ đã làm tổn thất nặng nề lực lượng và vũ khí, trang bị của địch, mà còn làm thay đổi cơ bản tình thế của Mỹ ở miền Nam Việt Nam: uy thế và sức mạnh quân sự của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng, ý chí xâm lược của chúng bị lung lay. Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, không tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 2 và cử người đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pa-ri. Hành động đó, không chỉ là sự thừa nhận chiến lược “chiến tranh cục bộ” bị phá sản, mà còn là bước khởi đầu của quá trình xuống thang chiến tranh, đánh dấu xu thế không thể đảo ngược: thế và lực của cách mạng Việt Nam ngày càng mạnh, Mỹ - ngụy càng suy yếu và đi xuống. Thắng lợi quân sự đã mở cánh cửa để đàm phán ngoại giao! Ngày 13-5-1968, Hội nghị Pa-ri giữa đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện chính phủ Mỹ khai mạc. Chiến thắng đó mang tính nhân văn sâu sắc và cũng là tiền đề quan trọng để quân và dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đâu phải vô nghĩa và tàn bạo như một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch!
Quá trình diễn ra chiến tranh, quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai đã gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân miền Nam. Những cuộc vây ráp, bắn phá, đốt nhà, giết người; những đợt máy bay ném bom tàn phá xóm làng, rải chất độc da cam…, gây ra biết bao cảnh tang thương. Báo chí thế giới thời gian đó đã phản ánh nhiều vụ bắn pháo, ném bom tàn sát dân thường của quân Mỹ, nhất là các vụ máy bay B.52 ném bom vùng dân cư ven các đô thị lớn. “Chỉ tính riêng vùng xung quanh Sài Gòn - Gia Định, trong vòng 9 ngày đầu tháng 6-1968, máy bay B.52 đã thực hiện 166 phi vụ”. Mà mức độ tàn phá của các phi vụ B.52 rải thảm thì vô cùng khốc liệt: “Mỗi chiếc B.52 có đủ bom để rải xuống thành một hình chữ nhật dài 1.000 mét, ngang 100 mét…Trong tháng 8 năm 1968, mỗi tuần có 350 phi vụ”. (Thời báo Niu Yoóc ngày 26 tháng 8 năm 1968). Không chỉ thế, lính Mỹ còn tiến hành những vụ thảm sát dân thường rất dã man, tiêu biểu như vụ Sơn Mỹ, ngày 16 tháng 3 năm 1968. Tập sách ảnh Nhật Bản "Việt Nam: cách mạng và thắng lợi" ghi lại: “Ngày 16 tháng 3 năm 1968, xã Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi bị quân Mỹ triệt hạ, tàn sát một lúc 500 thường dân. Lúc đó, quân Mỹ dùng mọi loại máy bay sẵn có chia làm bốn tầng bay trên bầu trời Sơn Mỹ. Dưới 300 mét là máy bay lên thẳng vũ trang bắn chết tất cả những ai định thoát ra khỏi xã. Trên 300 mét là máy bay chở sĩ quan tư lệnh quân cơ động, chỉ huy trận đánh. Trên 800 mét là máy bay sư đoàn trưởng quan sát trận đánh. Sự tàn bạo lên đến cực điểm khi quân Mỹ coi những cuộc hành quân đó như một trò chơi thể thao. Nó làm chúng ta phẫn nộ tới mức không thể nào tả nổi”1. Cùng với đó, các phóng viên báo ảnh phương Tây còn ghi được cảnh lính Mỹ châm lửa đốt nhà dân ở Sơn Mỹ (16-3-1968); cảnh máy bay C-123 rải chất độc Da cam xuống khu cực ngoại thành phố Huế (14-8-1968); cảnh một làng quê vùng ven ngoại ô Sài Gòn bốc cháy vì bom đạn Mỹ (6-1968), v.v. Không riêng gì ở Sài Gòn, Quảng Ngãi, Huế, mà trên khắp miền Nam nước ta, đi tới đâu chúng cũng đốt phá nhà cửa, tàn sát dân thường, triệt hạ gia súc, hoa màu, v.v..
Đó là thực tế không thể chối cãi. Tội ác của quân xâm lược và bè lũ tay sai đối với nhân dân miền Nam là “trời không dung, đất không tha”! Thế nhưng, họ lại chối bỏ tất cả điều đó và còn “gắp lửa bỏ tay người”, rằng: Việt cộng gây ra “những vụ thảm sát”, “những hố chôn tập thể ở Huê”!... Đáng chú ý, những luận điệu lừa bịp đó, giờ đây đang được một số người sử dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tuy nhiên, mọi sự giả dối đều bị bóc trần. Không ai ngây thơ tin rằng: các chiến sĩ Quân giải phóng - những người dám xả thân mình để giành lại hòa bình cho đất nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, lại bắn giết đồng bào và tàn phá quê hương! Nhiều nhân chứng chiến tranh ở cả hai phía, các chính trị gia, nhà báo, nhà nghiên cứu, đạo diễn phim,… đều khẳng định: cái gọi là các “cuộc thảm sát” chỉ là sự bịa đặt của Hoa Kỳ và bè lũ tay sai. Nhiều nhà báo nước ngoài có mặt tại Huế lúc cuộc chiến xảy ra đều khẳng định, không có bất cứ một cuộc thảm sát nào hay hố chôn tập thể nào. Đạo diễn bộ phim truyền hình 12 tập: “Mậu Thân - 1968” - bà Lê Phong Lan, sau 10 năm đi tìm sự thật chiến thắng Tết Mậu Thân 1968, khẳng định: “Hình ảnh và thông tin đăng tải về sự kiện thảm sát này đều từ một nguồn là các cơ quan tâm lý chiến của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. Nhiều nhà báo uy tín như Gareth Porter, Noam Chomsky... đã công bố những nghiên cứu khoa học phản bác sự vu cáo này”, v.v.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tuy chưa mang lại thắng lợi trọn vẹn, thậm chí sau đó ta còn gặp những khó khăn, tổn thất nhất định khi địch tổ chức lực lượng phản kích, nhưng với phương pháp nhìn nhận biện chứng, toàn diện cho thấy, đây là một thắng lợi quan trọng mang tầm vóc lịch sử; tạo bước ngoặt trong tiến trình phát triển của cách mạng miền Nam, chứ không phải như những kẻ thù địch “thêu dệt”, xuyên tạc. Sự thật luôn là sự thật, không thế lực nào có thể “đổi trắng thay đen” được. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trải qua thời gian, càng khẳng định bản chất, tầm vóc và mãi mãi là bản anh hùng ca vĩ đại của quân và dân ta trong thế kỷ XX./.

                                                                             Nguồn: Tapchiqptd.vn

2 nhận xét:

  1. Sự thật sẽ mãi mãi là sự thật! Kẻ nào nói "Mậu Thân 1968 là vô nghĩa" thì kẻ đó là vô đạo đức!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất hay và ý nghĩa!

    Trả lờiXóa