Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chủ nghĩa dân tộc: Quan điểm và một số yếu tố tác động trong điều kiện hiện nay


Trong những năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc là một trong những khái niệm được sử dụng phổ biến trong lý luận chính trị quốc tế. Tuy nhiên, khái niệm này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là khó nắm bắt nhất và nghiên cứu về nó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay, trước xu thế phát triển khách quan của toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc đã có nhiều biểu hiện mới tùy thuộc vào từng quốc gia và bối cảnh cụ thể. Từ nhiều góc độ khác nhau, các học giả trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra những quan điểm về chủ nghĩa dân tộc. Bài viết tổng hợp quan điểm của các nhà khoa học tiêu biểu về các nội dung của chủ nghĩa dân tộc, đồng thời làm rõ một số yếu tố tác động đến chủ nghĩa dân tộc trong điều kiện hiện nay.
Sự đa dạng của các quan điểm về chủ nghĩa dân tộc
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân tộc” (tiếng Anh: “nationalism”, tiếng Pháp: “le nationalisme”) được sử dụng chủ yếu và phổ biến trong lý luận chính trị quốc tế. Thuật ngữ này trước hết là một sản phẩm của lịch sử, mang tính lịch sử, đồng thời là một hiện tượng chính trị - xã hội, mang tính thời đại. Khó có thể xác định được chính xác thời điểm ra đời của thuật ngữ này là vào thế kỷ XVIII hay XIX, song một thực tế không thể phủ nhận là chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một trong những động lực chính trị và xã hội quan trọng trong lịch sử, có vai trò không nhỏ trong định hướng phát triển cơ bản của đa số các quốc gia, dân tộctrên thế giới ở những thế kỷ tiếp theo.
Theo một số quan điểm, chủ nghĩa dân tộc còn là yếu tố ảnh hưởng chính hay là nguyên nhân của Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914-1918) và thứ Hai (1939-1945). Khoảng cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, sự ra đời của nhiều “nhà nước - dân tộc” mới và sự hình thành của các tư tưởng “dân tộc tự quyết” đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc hiện nay vẫn tiếp tục được sử dụng để luận chứng cho nhà nước dân tộc từ phương diện tư tưởng chính trị. Do đó, nhiều người đã coi chủ nghĩa dân tộc như làtrào lưu tư tưởng, là nguyên tắc chính trị, là hệ tư tưởng chính trị hay phong trào chính trị. Những học giả chủ yếu theo quan điểm này gồm: E. Kedourie (1993) xác định chủ nghĩa dân tộc như là một học thuyết, Gellner (1983) quan niệm nó là một nguyên tắc chính trị, Calhoun (1997) cho rằng nó là một hình thức lập luận hay Kellas (1991) quan niệm nó là một dạng hành vi… Trong đó, quan điểm tiêu biểu của Anthony D.Smith trong cuốn sách Nationalism cho rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng đặt dân tộc (nation) vào trung tâm các mối quan tâm của nó và tìm cách thúc đẩy sự thịnh vượng của chính dân tộc ấy… Theo đó, sự thịnh vượng của dân tộc nhằm hướng tới đầy đủ tất cả ba mục tiêu chung là: tự chủ dân tộc, thống nhất dân tộc và bản sắc dân tộc. Như vậy, chủ nghĩa dân tộc chính là ‘phong trào ý thức hệ’ (ideological movement) để đạt được và duy trì tính tự chủ, thống nhất và bản sắc cho cộng đồng mà số thành viên của cộng đồng đó được coi là để tạo thành ‘dân tộc’ mang tính hiện thực hoặc tiềm năng”.
Trước tình hình chính trị thế giới phức tạp hiện nay, tùy thuộc vào những đặc trưng, giá trị, chuẩn mực hay lợi ích cụ thể của quốc gia, dân tộc được đề cao là yếu tố nào (chẳng hạn như màu da, sắc tộc, lãnh thổ, nhà nước, lịch sử,…) và theo mức độ ra sao (ôn hòa, bảo thủ, cấp tiến, cứng rắn, quá khích, cực đoan, hiếu chiến…) mà chủ nghĩa dân tộc có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, như: chủ nghĩa dân tộc tự do, chủ nghĩa dân tộc cánh tả, chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, chủ nghĩa sôvanh nước lớn, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa phát xít… Khi bị đẩy lên mức cực đoan, chủ nghĩa dân tộc ở các hình thức biểu hiện như thế chủ yếu bị người ta xem xét, nhìn nhận với con mắt ác cảm. Mặc dù được quan niệm và lý giải như là hệ tư tưởng, học thuyết hay phong trào chính trị nhưng trên thực tế các quan điểm dân tộc chủ nghĩa khá phức tạp và khó định hình. Nó thường không có cấu trúc lý luận chặt chẽ, mà có thể là sự pha trộn, vay mượn nhiều chủ thuyết, tư tưởng, thậm chí tôn giáo khác nhau nhưng có điểm chung là đều đưa ra những lời giải thích về các vấn đề xã hội thông qua lăng kính và góc nhìn dân tộc.
Như vậy, khái niệm chủ nghĩa dân tộc có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau, được xem xét ở các phương diện nội dung chính trị, văn hóa - xã hội và tâm lý của nó. Song, điểm quan trọng và chủ yếu của khái niệm này liên quan đến sự sinh tồn, phát triển và quyền lợi của dân tộc, được tạo ra trên cơ sở lòng nhiệt huyết và sự quan tâm sâu sắc của các thành viên đối với lợi ích dân tộc mình. Đặc điểm này của chủ nghĩa dân tộc có tính chất hai mặt, do đó chúng ta cần có thái độ và cách nhìn nhận khách quan, tránh tình trạng phiến diện, cực đoan và nhất là không bị các thế lực phản động lạm dụng bởi nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm khôn lường.
Một số yếu tố tác động đến chủ nghĩa dân tộc trong điều kiện hiện nay
Chủ nghĩa dân tộc là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng gia tăng và phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Xem xét về sự gia tăng này, các nghiên cứu đều cho rằng, toàn cầu hóa là một trong những yếu tố chính tác động không nhỏ đến chủ nghĩa dân tộc. Trong khi một số học giả cho rằng chủ nghĩa dân tộc trở nên ít được chú ý trong quan hệ quốc tế, thì số khác lại cho rằng chủ nghĩa dân tộc được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và ngày càng trở nên quan trọng.
Có ba quan điểm chính về mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc: Một là, toàn cầu hóa làm xói mòn chủ nghĩa dân tộc; Hai là, toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc có mối quan hệ tương hỗ, phát triển hài hòa; Ba là, toàn cầu hóa đã và đang khiến chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ hơn.
Ủng hộ quan điểm thứ nhất, các nhà nghiên cứu cho rằng toàn cầu hóa khiến chủ nghĩa dân tộc không còn khả năng gắn kết mọi người trong một nước cũng như ngăn cản họ hòa nhập với những “công dân toàn cầu”. Trong quá khứ, các quốc gia có phân chia biên giới rõ ràng, người dân có ý thức cao về truyền thống và dân tộc, phương thức giao tiếp cá nhân hạn chế. Ngày nay, khi thế giới trở nên “phẳng” hơn thì những rào cản về địa lý không còn là yếu tố gây khó khăn cho giao tiếp cá nhân.
Quan điểm thứ hai cho rằng, toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc có mối quan hệ tương hỗ, cùng nhau phát triển hài hòa. Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa không có nghĩa là một nước phải từ bỏ hệ tư tưởng hay các giá trị văn hóa của mình để theo một xu hướng chung. Các nước trong quá trình toàn cầu hóa vẫn có thể hợp tác trên nhiều mặt mà không có xung đột về văn hóa, sắc tộc hay tôn giáo.
Quan điểm thứ ba cho rằng, toàn cầu hóa dễ khiến chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn. Giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa dường như tạo ra sức ép lớn hơn với các địa phương trong một quốc gia cụ thể, đặc biệt về mặt kinh tế và chính trị. Những địa phương này đến lượt mình có khuynh hướng phản ứng lại mạnh mẽ trên cơ sở phát triển chủ nghĩa dân tộc theo hướng cực đoan. Có thể nói theo cách khác là sự mai một dần của các bản sắc địa phương và hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc là những hệ quả trực tiếp của toàn cầu hóa. Hiện tượng làn sóng di cư của người dân từ thế giới thứ ba đến các nước phương Tây đã dẫn đến tình trạng căng thẳng về chủng tộc và văn hóa ở nhiều nước Âu, Mỹ, hay việc số dân nhập cư vào châu Âu và Anh gia tăng dẫn đến sự ra đời thêm của các đảng cánh tả ở đây là những minh chứng rất rõ ràng cho trường hợp này. Trong quá trình toàn cầu hóa, các nước phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các nước còn lại của thế giới.
Tác động của toàn cầu hóa lên những khu vực khác nhau sẽ không giống nhau. Nó có thể làm xói mòn chủ nghĩa dân tộc ở nơi này, có thể phát triển hài hòa với chủ nghĩa dân tộc ở nơi kia, và cũng có thể khiến chủ nghĩa dân tộc phát triển lên mức cực đoan. Nhìn chung, quan điểm khác nhau về toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó đối với chủ nghĩa dân tộc dẫn tới những chính sách khác nhau đối với quá trình này. Bên cạnh tác động của toàn cầu hóa, khi xem xét về chủ nghĩa dân tộc, các nhà nghiên cứu còn khẳng định, chủ nghĩa dân tộc còn là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nữa như: mâu thuẫn bất đồng do lịch sử để lại; do sức mạnh quân sự và kinh tế tăng lên mạnh mẽ tại một số quốc gia; do sự điều chỉnh trong chính sách ngoại giao của một số nước lớn; do sự gia tăng các biểu hiện cực đoan của một số phong trào chính trị trên thế giới.
Trong điều kiện hiện nay, môi trường thông tin và truyền thông ngày càng mở rộng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lan truyền phổ biến tâm lý dân tộc chủ nghĩa, khiến cho chủ nghĩa dân tộc ngày càng có điều kiện nảy sinh và phát triển. Tùy thuộc vào từng khu vực và từng quốc gia cụ thể mà sự gia tăng, phát triển của chủ nghĩa dân tộc chịu sự chi phối của những nguyên nhân trên khá phức tạp và không thuần nhất. Ở Trung Quốc, những nguyên nhân khiến chủ nghĩa dân tộc đương đại phát triển mạnh mẽ là do vấn đề lịch sử kết hợp với hiện thực, nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài. Trong khi đó, ở khu vực Đông Bắc Á, những nhân tố có vai trò quan trọng đối với chiều hướng biến chuyển của chủ nghĩa dân tộc tại khu vực này xuất phát từ các nguyên nhân như: tình trạng “chủ quyền không trọn vẹn”; tình trạng các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo; những mâu thuẫn, bất đồng giữa các dân tộc do khác biệt trong cách giải thích về lịch sử; Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và Mỹ “xoay trục” về châu Á, buộc tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực phải “xoay trục thứ cấp” để thích ứng, cung cấp thêm những yếu tố mới kích thích cho tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng khu vực Đông Bắc Á; sức mạnh kinh tế và quân sự tăng lên tại hầu hết các nước Đông Bắc Á cũng góp phần thúc đẩy tinh thần dân tộc chủ nghĩa phát triển; Tóm lại, chủ nghĩa dân tộc đa dạng về khuynh hướng và biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng xu hướng chung là sự trỗi dậy trở lại một cách mạnh mẽ hơn từ sau Chiến tranh Lạnh. Có giai đoạn, tinh thần dân tộc chủ nghĩa được định hướng nhằm chống lại áp bức, bóc lột, chống lại sự lệ thuộc, thuộc địa và các hình thức kỳ thị chủng tộc khác, khi ấy, nó đã đóng vai trò tiến bộ, góp phần cố kết các tộc người và trở thành phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khi thổi phồng vai trò của những khác biệt dân tộc và những ưu thế của tộc người, lạm dụng ý thức sắc tộc, lạm dụng tình cảm tự tôn dân tộc thì chủ nghĩa dân tộc đã bị chuyển hóa sang ý nghĩa tiêu cực. Trong giai đoạn hiện nay, trước tác động của toàn cầu hóa, ở nhiều quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc với những biểu hiện tiêu cực đang có xu hướng gia tăng. Điều đó đòi hỏi các nhà nước sẽ phải có thái độ ứng xử phù hợp và nỗ lực hết mình để điều hòa các mối quan hệ nhằm tránh những xung đột và hậu quả xấu có thể xảy ra.
Nguồn: Thông tin khoa học xã hội






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét